Nỗi khổ đi ô tô vào trung tâm
Anh Nguyễn Huy Thái, nhà ở phường Phú Thuận, quận 7, thường ngày làm việc ở quận 1. Sở hữu ô tô đáng ra anh phải phấn khởi, nhưng nhắc đến chuyện này anh bức xúc: “Con tôi học ở quận 1, hàng ngày lái ô tô đi làm tiện thể đưa đón con. Trước đây vào khu vực này tìm chỗ đậu xe hơi khó nhưng vẫn có thể dừng, đậu tạm một thời gian ngắn trên vỉa hè, dưới lòng đường. Từ ngày lực lượng chức năng quận 1 ra quân lập lại trật tự đô thị tôi phải chuyển đi lại bằng xe máy”.
Muốn giải quyết được bài toán quá tải xe ô tô cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, vừa quy hoạch lại các bãi xe, vừa quản lý chặt tình trạng dừng đỗ xe trái phép, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ ô tô như tiền thuê đất, thuế… để có mức phí hợp lý. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM |
Tương tự, chị Diệp Thanh Thảo, ngụ phường Thảo Điền, quận 2, cho biết thỉnh thoảng có hẹn với đối tác, bạn bè gặp mặt ở một vài quán cà phê quen thuộc tại trung tâm quận 1. Bình thường ở khu vực này muốn tìm được nơi đậu xe đúng phép không đơn giản. Trước đây, một số bảo vệ của quán hướng dẫn khách uống nước đậu xe dưới lòng đường hay trên vỉa hè và thu tiền, nhưng từ khi quận 1 tổ chức xử phạt chị Thảo không còn dám đậu liều nữa, còn vào bãi đậu xe ở một khách sạn trên đường Đồng Khởi trong vài giờ phải trả đến 200.000 đồng, một mức giá quá chát.
Theo thống kê, ở khu vực trung tâm TP có 77 tuyến đường cấm đỗ xe; gần 70 tuyến đường cấm dừng, đậu ô tô theo giờ. Tuy nhiên, bất chấp các biển báo cấm dừng, đỗ ô tô, nhiều ô tô vẫn nối đuôi, xếp hàng dài ở nhiều nơi. Các đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa… cho ô tô đỗ theo giờ; thậm chí các đường Alexandre de Rhodes, Nguyễn Văn Chiêm… (quận 1) cấm dừng, cấm đỗ nhưng hầu như lúc nào cũng có hai hàng xe ở hai bên.
Rất dễ nhận biết các xe đỗ “lậu” ở khu vực này, đó là các xe vẫn nổ máy, đèn xe nhấp nháy và tài xế luôn ngồi ôm vô lăng, ngó trước nhìn sau canh chừng lực lượng chức năng. Hay dọc theo các tuyến đường Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Lê Duẩn (quận 1), Trần Cao Vân, Công trường Quốc tế (quận 3), những ngày giáp tết người đi đường bắt gặp rất nhiều xe hơi đậu trên đường.
Trong khi đó, hàng loạt tuyến đường khá hẹp, chỉ có hai làn xe như Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Anh, Lý Tự Trọng, Trương Định... lại được kẻ vạch sơn cho phép ô tô đỗ để thu phí. Ở những nơi này, ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài, phần đường còn lại quá nhỏ nên dòng xe phải nhích từng chút một để đi qua.
Nhà giữ xe 5 tầng có hệ thống chữa cháy tự động ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Thiếu trầm trọng bãi đỗ xe
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong phạm vi bán kính 500m quanh trụ sở UBND TPHCM có 59 công trình cao tầng có từ 1 - 5 tầng hầm đỗ xe, như tòa nhà Kumho Asiana Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Saigon Center... Ngoài ra, còn có 46 công trình cao tầng có tầng hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn trên các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng...
Ước tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho các tòa nhà, chỉ còn khoảng 20% diện tích (với khoảng 1.323 ô tô và 2.750 xe máy) cho đậu xe bên ngoài. Tuy nhiên, giá giữ ô tô tại những nơi này khá cao, lại tính giá theo giờ. Đơn cử như cao ốc Kumho Asiana Plaza (đường Lê Duẩn, quận 1) lấy giá 10.000 đồng/xe trong 3 giờ đầu, sau 3 giờ thu thêm 100.000 đồng/xe, nếu gửi qua đêm 200.000 đồng/xe. Trong khi đó, bãi đỗ xe ở Saigon Center (góc ngã tư Lê Lợi - Pasteur, quận 1) lấy giá 20.000 đồng/xe trong 3 giờ đầu tiên, mỗi giờ tiếp theo (trong 6 giờ đầu) 20.000 đồng và mỗi giờ tiếp theo (sau 6 giờ đầu) 40.000 đồng, nếu gửi xe qua đêm giá 200.000 đồng/xe...
Đón đầu tình trạng “khát” chỗ đậu ô tô ở khu vực trung tâm TP, Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn – Samco đã đưa vào hoạt động bãi đậu xe cao 5 tầng trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1), với sức chứa 450 ô tô và hơn 3.900 xe máy. Theo bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng giám đốc Samco, bãi đậu xe này đã hoạt động hết công suất về chỗ đậu ô tô, với giá 2 triệu đồng/tháng.
Mức giá này không rẻ, nhưng vẫn có rất nhiều người đăng ký gửi xe và công ty phải từ chối vì bãi xe hết chứa nổi. Việc nhiều người tìm đến gửi xe chứng tỏ nhu cầu đậu xe ở trung tâm TP là rất lớn. Công ty thấy mức giá trên là hợp lý bởi bãi xe hiện đại, có camera, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, máy phát điện dự phòng… Từ thực tế hoạt động hiệu quả Samco đang tính đến việc mở rộng mô hình này.
Trong khi đó, ở khu vực xa trung tâm hơn, bãi đỗ xe cao tầng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng kín chỗ. Nhà giữ xe cao tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất chính thức đưa vào khai thác từ giữa tháng 11-2016, do CTCP đầu tư TCP làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích trên 21.000m2, diện tích xây dựng 11.000m2. Nhà giữ xe này bao gồm 1 tầng hầm, 1 tầng lửng và 5 tầng nổi, sức chứa 239 chỗ đậu ô tô ngoài trời (được sử dụng làm bãi đậu xe taxi và bãi đậu xe khách); 1.742 chỗ đậu ô tô trong nhà, 6.000 chỗ đậu xe máy trong nhà.
Theo Quyết định 6003 của UBND TPHCM vừa ban hành, giá dịch vụ trông giữ xe tại nhà để xe ở ga quốc nội thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ô tô từ 4 - 8 chỗ 90 phút đầu là 30.000 đồng/xe/lượt; tiếp đến trên 90 phút đến hết 24 giờ 10.000 đồng/xe/giờ; trên 24 giờ 75.000 đồng/xe/12 giờ; 2 triệu đồng/xe/tháng…
Nhà đầu tư cần được chia sẻ
Nhà đầu tư cần được chia sẻ
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện TP đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, tăng đến 70% so với năm 2010, trong đó có gần 1 triệu ô tô các loại. Theo quy hoạch, khu trung tâm TPHCM rộng 930ha có 8 bãi đậu xe ngầm. Đến nay, vẫn chưa có bãi xe nào được xây dựng chính thức.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của UBND TP đầu tư BOT dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám (quận 1). Thế nhưng trong suốt 13 năm qua, nhà đầu tư là CTCP đầu tư phát triển không gian ngầm IUS và Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương vẫn giậm chân tại chỗ. Cũng trong suốt 13 năm qua, Công ty TNHH tập đoàn Đông Dương - đơn vị đã đeo bám dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm ở Công trường Lam Sơn (đến nay đã chuyển về vị trí ở sân khấu Trống Đồng), nhưng nay dự án này vẫn còn trên giấy.
Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, với mức giá đậu xe hiện nay theo quy định của Nhà nước quá rẻ, dẫn đến doanh nghiệp cân nhắc đầu tư. Trong khi đó ở nước ngoài người sử dụng xe phải thuê chỗ đậu xe không khác gì thuê chỗ ở và xử rất nghiêm việc đậu xe vi phạm ngoài đường. TS. Cương cho rằng mức giá giữ xe nên để theo giá thị trường, theo quy luật cung cầu, Nhà nước chỉ nên định giá giữ xe ở những nơi như trường học, bệnh viện…
Để lập lại trật tự đô thị, thiết nghĩ cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư các bãi đậu xe cao tầng tại khu vực trung tâm TPHCM, với những ứng dụng công nghệ hiện đại. Ngoài việc đảm bảo đủ chỗ đậu xe ở các quận nội thành, Sở GTVT cũng nhanh chóng phát triển vận tải hành khách công cộng, tránh việc dồn ứ ô tô trên các tuyến đường, dẫn đến tắc nghẽn giao thông.