Cùng dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM…
Đại hội gương mẫu về tổ chức, chất lượng, hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, trong buổi làm việc ngày 3-9, Bộ Chính trị cơ bản đồng tình, đánh giá cao quá trình chuẩn bị văn kiện, nhân sự, kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Bên cạnh góp ý nhiều nội dung sâu sắc, Bộ Chính trị cũng yêu cầu Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI phải là đại hội gương mẫu, mẫu mực về tổ chức, chất lượng, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến góp ý của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư về việc lưu ý TPHCM quán triệt vị trí, trách nhiệm, đặc thù của TPHCM đối với cả nước - địa phương duy nhất trong cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi đảng viên, mỗi công dân TPHCM phải thấm sâu hơn những giá trị văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh như một hành trang, phát triển thành phố xứng đáng với đạo đức, sự nghiệp của Bác với dân tộc. Một nội dung khác là công tác xây dựng Đảng phải đúng tầm, sâu sắc hơn nữa. Bộ Chính trị khẳng định, nếu sự lãnh đạo của Đảng có vai trò then chốt, quyết định đến sự thành công của các địa phương và cả nước thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Từ đó, đồng chí nhấn mạnh cần đánh giá sâu sắc hơn về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh nhận định của Bộ Chính trị về bối cảnh 5 năm, 10 năm tới thế giới sẽ có nhiều biến động. Đó là những xung đột giữa các nước lớn, tình hình dịch Covid-19 khiến những dự báo về tăng trưởng kinh tế trước đó đã không đúng nữa. “Đây là thách thức trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và nhấn mạnh, bên ngoài càng biến động thì bên trong càng phải chặt chẽ, phải phát huy nội lực, sức mạnh liên kết trong địa phương, giữa các địa phương tạo ra sức mạnh quốc gia rất quan trọng. Thông qua đó để phát huy tiềm năng nội lực của mình và ứng xử với biến động thế giới một cách khôn ngoan, không để bị rơi vào vòng chi phối xung đột giữa các nước lớn.
Dành nhiều thời gian đề cập đến các nội dung cụ thể của dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, đồng chí nhấn mạnh đến việc Bộ Chính trị yêu cầu TPHCM làm rõ mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030, 2045. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, vị trí đầu tàu của TPHCM đã là hiện thực. Tuy nhiên, việc giữ vững vị trí này trong tương lai không hề đơn giản bởi các địa phương khác cũng đang phát triển nhanh và TPHCM với cơ cấu kinh tế chính là dịch vụ đang bị ảnh hưởng từ tình hình quốc tế. Đặc biệt, dịch Covid-19 làm ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến tăng trưởng của TPHCM năm nay thấp hơn bình quân cả nước.
Do đó, tiếp thu góp ý của Bộ Chính trị, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 phải tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TPHCM cũng phải đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đặc biệt đồng chí nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại với 3 động lực về kinh tế, chính trị, văn hóa và phải là thành phố văn hóa. Đồng thời, TPHCM phải trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của Đông Nam Á, có thu nhập bình quân đầu người đạt 12.570 USD/người/năm. Đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á, có thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40.000 USD...
Hội nghị tiếp tục ghi nhận góp ý của các đại biểu về nội dung dự thảo báo cáo chính trị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, qua nhiều lần đóng góp ý kiến, chất lượng dự thảo ngày càng được nâng cao. Đồng chí cũng tiếp thu và giải thích thêm về nhiều nội dung cụ thể như cần giữ cụm từ “xứng đáng với niềm tin của nhân dân”.
Tương tự, góp ý về tên đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững, đồng chí Bí thư Thành ủy giải thích thêm về cụm từ “để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương”. Theo đó, TPHCM có 3 điều kiện đứng đầu cả nước. Đó là, có năng suất lao động cao hơn gần 3 lần mức bình quân cả nước. Thứ hai, hệ số khuếch đại vốn đầu tư xã hội cao khi 1 đồng vốn đầu tư công sẽ thu hút 10-14 đồng vốn đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, TPHCM cũng có hệ số đòn bẩy thu chi ngân sách cao, khi 1 đồng ngân sách bỏ ra thu về 5 đồng trong khi hơn 50 địa phương khác bỏ ra 1 đồng thu về không tới 1 đồng.
Ý nghĩa lớn từ cơ chế, chính sách đặc thù
Tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, trình bày tờ trình về báo cáo chuyên đề tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với 46 tổ chức Đảng, hơn 2.000 đảng viên. Đồng chí Dương Ngọc Hải nhận xét, công tác kiểm tra, giám sát nhìn chung chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác kiểm tra khi có dấu hiệu đối với tổ chức Đảng, đảng viên có nơi chưa thực hiện hiệu quả, còn tình trạng xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát dàn trải.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm trình bày tờ trình về báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đồng chí khẳng định, việc triển khai Nghị quyết 54 đã đạt một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho TPHCM. Đơn cử, tiến độ các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn, chính sách thu nhập tăng thêm góp phần cải thiện đời sống, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy vậy, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Trong khi đó, cơ chế tài chính chưa được phát huy, TPHCM chưa có nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Giai đoạn 2018-2020 không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TPHCM. Do đó, TPHCM chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngoài ra, do gặp nhiều vướng mắc, thiếu quy định hướng dẫn nên năm 2020 TPHCM cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Liên quan đến Nghị quyết 54, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý cần bổ sung đánh giá tác động, ý nghĩa của thu nhập tăng thêm đối với cán bộ công chức. Theo đồng chí, thông thường để có mức thu nhập tăng thêm 1,2 lần thì cán bộ công chức phải mất 15-25 năm làm việc. Tuy nhiên, từ cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM đã thực hiện được ngay, mang lại ý nghĩa rất lớn. Chính sách về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 đã góp phần động viên cán bộ công chức làm việc có năng suất cao hơn, tạo động lực cải cách hành chính, từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Phấn đấu kinh tế số đóng góp 25% GRDP vào năm 2025 Tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trình bày tờ trình thông qua văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí cho biết, dự thảo Báo cáo Chính trị đã tiếp thu các ý kiến, góp ý, bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, góp ý của Bộ Chính trị, ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc ngày 3-9, dự thảo Báo cáo Chính trị đã được biên tập khái quát hơn, phân tích sâu hơn kết quả thực hiện, hạn chế, yếu kém, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Dự thảo được biên tập, bổ sung mục tiêu cụ thể của TPHCM đến năm 2025, 2030, 2045. Ban Thường vụ Thành ủy cũng thống nhất bổ sung 2 chỉ tiêu cụ thể, đó là phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP của TPHCM và đến năm 2030 đóng góp 40%. Ngoài ra, TPHCM giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hàng năm. |