TPHCM: Hành trình đến đô thị thông minh

(ĐTTCO) - Với những nội dung triển khai thực hiện trong năm 2018, TPHCM thực sự đã có những bước khởi đầu mạnh mẽ trong hành trình hướng đến đô thị thông minh.
Đề án đô thị thông minh hướng đến việc quản trị hiệu quả trên nền tảng công nghệ số.
Đề án đô thị thông minh hướng đến việc quản trị hiệu quả trên nền tảng công nghệ số.
TPHCM đã triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”; định hướng xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức; công bố kiến trúc Chính quyền điện tử TP dựa trên 4 kiến trúc thành phần cơ bản là nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng và công nghệ… 

Lộ trình khoa học, phát triển đồng bộ

Đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh được phê duyệt tháng 11-2017. TPHCM trở thành địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước. Để triển khai đề án, TP đề ra 4 giải pháp trọng tâm là xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP, xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TP và thành lập Trung tâm An toàn thông tin của TP.

Trong số này, nhiệm vụ xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP có vai trò tối quan trọng. Giai đoạn 1 của trung tâm này sẽ được vận hành trong tháng 1-2019, đặt tại UBND TPHCM, trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera giám sát giao thông, camera của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và hệ thống camera an ninh được phát triển thời gian qua ở các quận, huyện.

Song song đó, hệ thống camera giám sát tập trung; hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022; hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113 - 114 - 115; các thông tin về kinh tế xã hội cũng sẽ được tích hợp lại.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM, điểm đặc biệt là hệ thống này được bổ sung tính năng nâng cao như: nhận dạng khuôn mặt, hành vi, hành động, quản lý đám đông, truy tìm dấu vết phương tiện, đo đếm mật độ lưu thông, đếm số lượng phương tiện; phát hiện và nhận diện âm thanh, tiếng nổ; nhận diện khói, đám cháy thông qua hình ảnh… “Sau thời gian thử nghiệm 2 - 3 tháng, TP sẽ đánh giá, xem xét để làm thủ tục đầu tư; khoảng giữa năm 2019 sẽ chính thức hoạt động”, ông Lê Quốc Cường thông tin.
Cùng với đề án đô thị thông minh, TPHCM công bố Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM, là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước của TP.

Đến nay, TP đã được triển khai rộng và có chiều sâu việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực quản lý nhà nước, hỗ trợ hiệu quả công tác cải cách hành chính, thể hiện qua văn phòng điện tử với 753 đơn vị liên thông văn bản, điều hành qua mạng; 3,4 triệu văn bản điện tử; 21.600 hộp thư điện tử; triển khai thí điểm thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến qua ngân hàng… Hiện TP có 493 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 59 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
TPHCM: Hành trình đến đô thị thông minh ảnh 1 Chấm điểm cách làm việc, phục vụ người dân của chuyên viên tại UBND quận 12.
Hướng đến thành phố sáng tạo
Từ những yêu cầu từ thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, lãnh đạo TPHCM đã đề xuất ý tưởng xây dựng Khu Đô thị sáng tạo (ĐTST), gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức, với mục tiêu sẽ là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển TP nhanh và bền vững. Đây là nơi kết nối nhiều thành phần, đơn vị thông qua các chuỗi giá trị, tích hợp các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tư nhân và nguồn lực công; nơi tạo ra vườn ươm cho doanh nghiệp, cũng như cơ sở hạ tầng chung cho hoạt động kinh doanh; kết nối chặt chẽ, hiệu quả chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao. Khu vực phía Đông TP được đánh giá đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm của sáng tạo. Bởi, khu vực này có Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) với nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới nắm giữ các công nghệ lõi, một trung tâm tài chính trong tương lai và 12 trường đại học. Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Khu ĐTST luôn gắn với các đại học nghiên cứu và khu này đóng vai trò là nguồn cung các nhà cách tân, doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Còn PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, cho biết SHTP khi hợp sức cùng Đại học Quốc gia TPHCM sẽ trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong lan tỏa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Về phía Đại học Quốc gia TP, thời gian qua đã cử chuyên gia sang kiêm nhiệm hoặc chuyển hẳn sang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP. Kết nối “mềm” này càng được đẩy mạnh hơn nữa khi kết nối “cứng” được hình thành - tuyến đường kết nối SHTP và Đại học Quốc gia TP. Trong chiến lược phát triển kinh tế của TP, ngành CNTT-TT cùng với nhân lực cho ngành này cũng được TP tính đến. Chủ trương này được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh thêm một lần nữa tại lễ trao Giải thưởng CNTT-TT TPHCM lần thứ 10 năm 2018 vừa diễn ra. Theo đó, để phát triển kinh tế, TP xác định nguồn vốn mạnh nhất, có nhiều nhất, nắm chắc trong tay không phải đi vay mượn chính là nguồn lực từ 4,5 triệu lao động. Để phát huy hiệu quả nguồn lực này, TP cần phải đào tạo kỹ năng và phát huy khả năng sáng tạo, sự năng động của lực lượng lao động hiện có. Lĩnh vực CNTT-TT sẽ là chủ lực khi TP triển khai xây dựng trở thành đô thị thông minh.
Sở TT-TT TPHCM cho biết, ngay trong tháng 1-2019, Kho dữ liệu dùng chung của TP - giai đoạn 1 - đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp dữ liệu hiện có của các sở, ngành TP; đến quý 3-2019 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng giai đoạn 2 (hoàn chỉnh). Cũng trong tháng 1-2019, TP sẽ công bố thành lập Phòng mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội của thành phố (giai đoạn 1) tại Viện Nghiên cứu phát triển TP phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11; trong quý 1-2019 tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội TP - giai đoạn 2.

Về thành lập Trung tâm An toàn thông tin, trong tháng 12-2018, UBND TP đã phê duyệt đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin, giao Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn thành lập trong quý 1-2019.

Các tin khác