(ĐTTCO)-TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, mục tiêu trở thành đại đô thị mang đẳng cấp khu vực là điều TPHCM hoàn toàn có thể làm được. Nếu TPHCM không làm và không định vị cao như thế thì không bao giờ với tới được. Vấn đề là khâu thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo khoa học định hướng phát triển TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định các đóng góp phát triển thành phố sẽ được nghiên cứu, chuyển hoá thành các giải pháp cụ thể, đưa vào công tác lập nhiệm vụ quy hoạch của TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; cũng như công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội.
TPHCM đã lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án, Hội đồng thẩm định dự toán nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời, giao Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM chủ trì hoàn chỉnh Đề cương và xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, dự toán kinh phí...
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Trong đó có việc mời gọi các đơn vị tư vấn, uy tín trong và ngoài nước tham gia lập quy hoạch, để công tác quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, chuyển tải được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TPHCM.
Việc lập quy hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Cơ chế thực thi là bài toán nan giải
Tại hội thảo, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đã "xin phép để nói rất thật". Những lời “rất thật” của TS. Vũ Thành Tự Anh nhận được tràng pháo tay tán dương của đại biểu dự hội thảo.
Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng để có thể phát triển, cần định vị xem TPHCM đang ở đâu, và muốn TPHCM như thế nào trong giai đoạn tới? Nếu lựa chọn và định vị TPHCM như thế nào thì sẽ có sự ứng xử tương xứng như vậy?
"Cuộc chơi của thế giới, của toàn cầu từ khoảng 10-20 năm nay đã hoàn toàn khác, nên TPHCM cũng cần có chiến lược hoàn toàn khác. Thay vì chỉ coi TPHCM là đầu tàu của cả nước - điều đó đúng nhưng chưa đủ, thì cần coi TPHCM là siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế - tài chính - văn hóa ở khu vực Đông Nam Á, và tiến tới là Châu Á. Đó là định vị cần hướng tới", TS Vũ Thành Tự Anh nói
Để thực hiện được điều đó, theo ông, cần một loạt ưu tiên chiến lược. Công việc của một thành phố có quy mô 13 triệu dân như TPHCM là rất nhiều vấn đề bề bộn. Nên cần chọn một số ưu tiên chiến lược, làm dàn trải thì không bao giờ đủ nguồn lực về cả thời gian, sự tập trung, thể chế, nhân lực…
Và dứt khoát, chiến lược là lựa chọn, lựa chọn làm cái này chứ không lựa chọn làm cái khác. Với TPHCM, nên hạn chế và tiến tới không còn những ngành công nghiệp đang làm nữa, mà nên chuyển sang dịch vụ.
"Nếu TPHCM tiếp tục định vị mình như một thành phố phát triển công nghiệp, thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội của TPHCM trong 10-20 năm nữa", ông Tự Anh nói thêm.
TS. Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG Trong xác định động lực phát triển, động lực của 10 năm qua so với động lực của 10 năm tới không hoàn toàn giống nhau.
Trước đây, nền kinh tế TPHCM phụ thuộc nhiều vào chi phí rẻ, dựa vào đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và dân số nhập cư, đẩy kinh tế phát triển, nhưng tốc độ phát triển kinh tế chưa cao. Trong 10 năm tới, động lực tăng trưởng phải là năng suất. Nếu cho tôi chọn 1 chữ thôi thì chữ đó là “năng suất”. Để thực hiện được năng suất thì phải phát triển khu vực tư nhân nội địa và đây là thế mạnh nổi bật của TPHCM so với cả nước.
Song song đó là tăng cường cạnh tranh nội địa, tạo ra môi trường cạnh tranh và “thị trường nhất” có thể. Đây là mệnh lệnh cho sự phát triển, nếu TPHCM không làm được thì thụt lùi. Cùng với đó là TPHCM phải mở cửa thị trường và hội nhập, cần tiên phong trong cả nước để làm được điều này.
TPHCM cũng cần khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng. Ngay cả khái niệm cơ sở hạ tầng cũng cần thay đổi, xem lại. Đồng thời, cần hình thành các cụm ngành then chốt, trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế của cả nước đặt tại TPHCM.
Với tầm nhìn xa hơn, TPHCM cần chuyển đổi, chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư. TPHCM phải có gì đó độc đáo, sáng tạo. Và điều đó đòi hỏi phải có nhân lực có kỹ năng rất cao, có cơ sở khoa học – công nghệ, có các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo các cụm ngành có năng lực cạnh tranh nổi trội…
"Tôi đề xuất thành lập quỹ phát triển vùng, để huy động vốn cho các dự án có tính chất liên vùng. Tỉnh Tiền Giang mong muốn được hợp tác với các địa phương, nhất là TPHCM, trong một số lĩnh vực như về nông nghiệp nhằm kết nối sản xuất - tiêu thụ, thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hình thành phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng.
"Chúng ta biết TPHCM là thành phố luôn đứng đầu, đầu tàu cả nước về kinh tế. Nhưng nhìn ra khu vực thì lại thua kém nhiều đô thị khác trong khu vực và trên thế giới. Nên, TPHCM cần có tầm nhìn xa và nhìn trước, còn cứ đi theo tư duy cũ, tầm nhìn cũ, thì không bao giờ bứt phá được. Trước hết, đòi hỏi sự tự bứt phát ngay trong tư duy của mình", ông Tự Anh chia sẻ.
Ông ví dụ về cơ sở hạ tầng, trước đây cơ sở hạ tầng có thể là điện - đường - trường - trạm, là hàng không, sân bay… Nhưng sắp tới, cơ sở hạ tầng là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông, khả năng tiếp cận, chia sẻ, bảo mật dữ liệu… Dữ liệu là nguồn lực của thế kỷ XXI. Chứ không thuần túy là cơ sở hạ tầng cũ.
Ví dụ thứ hai về tầm nhìn xa. Trong giai đoạn dài, không riêng TPHCM mà cả nước, háo hức, hồ hởi hội nhập. Nhưng khi hội nhập đã đánh mất thị trường trong nước và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây là 2 điều chí tử. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt cần luôn luôn tâm niệm. Bởi không một đô thị lớn nào, không một quốc gia nào phát triển chỉ nhờ ngoại lực mà cần trau dồi nội lực.
Điều may mắn là đến năm 2035, hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu, tạo ra sức tiêu thụ nội địa mạnh. Nếu không tận dụng được thì TPHCM và cả nước sẽ “biếu miếng bánh” cho doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt.
Về các điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển đối với TPHCM, cần quay lại với thực tế Việt Nam và TPHCM có 3 nút thắt lớn. Đó là nút thắt về cơ sở hạ tầng, thể chế và chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, 3 điều này cũng cần tư duy hoàn toàn khác.
"Về cải cách thể chế, tôi xin phép nói rất thật, có thể mất lòng, nhưng sự thật là trong 10 năm qua, các địa phương trong cả nước đã không đến TPHCM học tập kinh nghiệm cải cách nữa. Chúng tôi đã quan sát TPHCM suốt 20 năm qua, và nhận thấy trong 10 năm qua, TPHCM không còn là niềm hứng khởi, không tạo ra cảm hứng cho các tỉnh, thành, cho cả quốc gia về cải cách.
Tại sao TPHCM lại đánh mất cái đó? Nếu TPHCM muốn phát triển, muốn đi hàng đầu, muốn trở thành siêu đô thị sánh ngang với các đô thị lớn ở khu vực, mà lại không cải cách, thì đồng nghĩa đã tự loại ra khỏi cuộc chơi. Vì thế, quan trọng là cải cách thể chế. Đó là nhu cầu số một", chuyên gia nói thẳng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn NGUYỄN HỒNG QUÂN:
"Chúng tôi mong muốn TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung sẽ tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn, dù đây không phải là việc đơn giản. TPHCM và TP Thủ Đức cần xây dựng đề án hoặc lộ trình về kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, có cơ chế để kết nối các sở ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền và doanh nghiệp cùng các bên liên quan. Nếu không có cơ chế sẽ làm nản lòng các bên tham gia thí điểm, dẫn tới càng khó để đề xuất chính sách cao hơn".
Cải cách thể chế, theo ông Tự Anh, cần nói rõ chứ không thể chung chung. Có hai điều quan trọng là cải cách về quản lý và phát triển cho một siêu đô thị hiện đại. Ví dụ, các dự án liên quan đến chính quyền đô thị, TP Thủ Đức là một trong những đột phá về thể chế quan trọng.
Thứ hai là cải cách thể chế về môi trường kinh doanh và đầu tư. Trước đây, chúng ta chỉ nói về thu hút lao động chi phí rẻ, kỹ năng trung bình… Bây giờ, cần làm thế nào để thu hút được những tập đoàn lớn nhất đến TPHCM. Muốn vậy thì TPHCM phải tạo môi trường “đất lành chim đậu” cho người dân và tạo ra các “ổ đại bàng” cho doanh nghiệp…
Về nhân lực, TPHCM phải có chất lượng nhân lực cao hàng đầu khu vực.
"Với trách nhiệm của mình, tôi cho rằng mục tiêu trở thành đại đô thị mang đẳng cấp khu vực là điều TPHCM hoàn toàn có thể làm được. Nếu TPHCM không làm và không định vị cao như thế thì không bao giờ với tới được. Vấn đề là khâu thực hiện", chuyên gia củ Đại học Fulbright khẳng định .
Thực tế mà nói, những điều các chuyên gia góp ý là không mới. Vấn đề là hiệu quả trong thực thi. Rất nhiều thứ chúng ta nhìn thấy là phải làm. Cơ sở hạ tầng có phải chúng ta không nhìn thấy không? Chúng ta đã nhìn thấy trước 20 năm. Nhưng tại sao không làm được?
Như việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch vào năm 1996, tức là chỉ sau Phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc) có 2-3 năm thôi, nhưng đến bây giờ họ đã phát triển, đã có trung tâm tài chính quốc tế, còn chúng ta đến bây giờ vẫn chưa giải tỏa xong.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Nguyễn Hồng Quân. Ảnh: VIỆT DŨNG Chuyên gia cho rằng vấn đề ở đây không hẳn là tầm nhìn nữa, cũng không thuần túy ở việc chúng ta không biết. Vấn đề là tại sao cơ chế thực thi của chúng ta không làm được cái điều mà chúng ta nhìn thấy là phải làm, điều mà chúng ta biết rằng nếu không làm được thì sẽ tụt hậu? Đây là bài toán cực kỳ nan giải. Ông gửi gắm mong đây sẽ là ưu tiên cực kỳ trọng yếu trong công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo TPHCM nhiệm kỳ này. Làm sao để đã quyết gì thì phải làm bằng được, lấy lại uy tín cho TPHCM".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng:
Một trong những đặc trưng của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, nên phải đối mặt với nhiều mặt trái như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Tôi đề nghị TPHCM với vai trò là đầu tàu, “anh cả” trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ ưu tiên cho giao thông liên kết vùng.
Trước tiên là xây dựng cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai, để kết nối hai địa phương. Bên cạnh đó là mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn xe, để đảm bảo kết nối sân bay Long Thành. Hiện cao tốc này chỉ 4 làn xe, đã quá tải và thường xuyên ùn tắc.
Ngoài ra là các dự án Vành đai 3, 4 và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn Sài Gòn -Nha Trang cũng như tuyến đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Long Thành.
TPHCM và Đồng Nai có lợi thế về giao thông thủy nhưng chưa được khai thác hết, thời gian tới cần khai thác tốt hơn, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ.
Mai Hoa - Mạnh Hòa