Hội Chữ thập đỏ quận 6 chuẩn bị buổi cơm chiều cho người dân trong khu cách ly Bình Tiên - Phạm Phú Thứ .Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhân lên nhiều hành động đẹp
Sức tàn phá của “cơn bão” Covid-19 không ngăn nổi bước chân thiện nguyện của người dân TPHCM những tháng ngày qua. Nhiều hành động đẹp trong cuộc chiến chống dịch của người dân TP nghĩa tình đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Vào những ngày đầu năm 2020, khi TPHCM nói riêng và cả nước nói chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về chung tay phòng chống dịch Covid-19, cuối tháng 3-2020 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã ra lời hiệu triệu “Nhân dân TPHCM tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn”. Thông qua “Quỹ phòng chống dịch Covid-19 TPHCM”, đã có hàng triệu tấm lòng, trái tim chung nhịp đập hướng về công tác phòng chống dịch của TP.
Phát huy sự nghĩa tình, ngoài việc ủng hộ tiền và hiện vật cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân của TP đã có những việc làm thiết thực để giúp đỡ những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch. Khởi xướng cho những việc làm đầy nhân văn và nghĩa tình này là cây “ATM gạo” do anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TPHCM) chế tạo và trở thành phong trào lan tỏa khắp đất nước, chung tay cùng người nghèo vượt qua “cơn bão” Covid-19.
Chính vì ý nghĩa cao đẹp này, ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, phong trào lắp đặt cây ATM đặc biệt, góp gạo để những ATM này luôn đầy đã nhận được sự hưởng ứng từ rất nhiều mạnh thường quân, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức… Đã có hàng ngàn tấn gạo đến tay người dân gặp khó khăn, giúp họ vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chính quyền TP cũng đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 600 tỷ đồng dành cho người cơ nhỡ, vô gia cư, bán vé số, lao động thất nghiệp.
Để công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM đạt được kết quả như hôm nay, ngoài sự nhập cuộc nhanh nhạy của cả hệ thống chính quyền, còn có sự đóng góp thiết thực của các giới đồng bào TP, góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhiều đảng viên, đặc biệt những đảng viên cao tuổi Đảng, đã có những đóng góp thiết thực.
Điển hình là cụ Lê Thị Văn (91 tuổi, ngụ phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM), sau khi nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đã dành toàn bộ số tiền nhận được để ủng hộ những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Không chỉ góp vật chất, đảng viên Nguyễn Kim Hên (68 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, phường 19, quận Bình Thạnh) còn kêu gọi các mạnh thường quân chung tay giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong dịch Covid-19. Đảng viên Trần Quang Dũng (ngụ quận Tân Phú) giảm 50% giá thuê mặt bằng để giúp các hộ kinh doanh sớm vượt qua khó khăn...
Đặc biệt là hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi, ngụ phường 5, Gò Vấp, TPHCM) ngồi bên bàn máy may, cặm cụi may từng chiếc khẩu trang vải. Vào mỗi buổi sáng, mẹ lại cặm cụi bên xấp vải, tỉ mẩn vẽ, cắt để chuẩn bị may những chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Theo mẹ Quýt, khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ TPHCM mà cả nước đều khan hiếm khẩu trang, nhiều người nghèo không có tiền để mua. Nghe Nhà nước kêu gọi mỗi người dân góp một chút sức vào công tác phòng chống dịch, mẹ Quýt đã miệt mài tham gia phong trào may khẩu trang tặng cho người nghèo.
Lời hiệu triệu lay động lòng người
Thời điểm tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn cam go, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh.
Theo lời “hiệu triệu” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất một lòng với tâm thế “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch”. Quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước ta về chống dịch Covid-19 đã tạo được sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội, thực sự là “Ý Đảng, lòng dân”, khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, đã hình thành nên phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh “chống dịch như chống giặc”.
Vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, UBND TPHCM phát động phong trào Thi đua 200 ngày, trong đó có nội dung quan trọng là đặt ra “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, TP đã kiên quyết cho tạm ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng khi một số ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh. TP đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch cấp TP và tại tất cả cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh và vận dụng linh hoạt, hiệu quả đối với từng đợt bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. TPHCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và triển khai các bộ chỉ số an toàn trong phòng chống dịch, đồng thời phát huy vai trò của các cơ quan báo đài, thông tin kịp thời tình hình diễn biến dịch bệnh và các chỉ đạo của Trung ương, thành phố để người dân tuân thủ trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
"Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!" -Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM |
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng ở mức dự báo từ 2%-3%, trong đó có sự đóng góp rất lớn của TPHCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. TPHCM tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Quy mô kinh tế của TP thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực, trong đó có sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp. Cơ cấu kinh tế TP đã chuyển dịch đúng hướng, gia tăng các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. |