TPHCM: Khó áp dụng PPP với các dự án văn hóa, thể thao

(ĐTTCO) - Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn nhiều vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, xã hội hóa các công trình văn hóa, thể thao đã là một “thương hiệu” của TPHCM. Song việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn nhiều vướng mắc.

Đây là một nội dung trong tham luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”, diễn ra tại Quảng Ninh sáng 12-5.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tham luận tại hội thảo. Ảnh: LÂM HIỂN

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, TPHCM hiện có trên 2.500 cơ sở thể thao (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục, thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…). Trong đó, nổi bật là CLB Quần vợt Lan Anh, CLB Quần vợt Hưng Thịnh; Khu Thể thao Celadon; hệ thống Câu lạc bộ Gym và Yoga California, Nhà thi đấu Futsal Thái Sơn Nam...

Các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng; tài trợ nhiều giải đấu, đóng góp nhiều tuyển thủ và cả HLV cho đội tuyển quốc gia.

TPHCM có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực văn hóa, 800 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao; 120 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đăng ký xây dựng điểm sáng văn hóa hoạt động theo cơ chế xã hội hóa; 369 công viên, trên 10 quảng trường hoạt động hiệu quả…

Bên cạnh kết quả đạt được, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và kỳ vọng của thành phố. Sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế (khoảng 1,5 công trình/10.000 dân); tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường.

“Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn; một số nơi tận dụng công trình sẵn có nên quy mô, kiến trúc không phù hợp yêu cầu sử dụng; phân bố không đồng đều giữa nội thành và ngoại thành. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao là 2.826ha, mới chỉ đạt 1,35% quỹ đất của thành phố”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức phản ánh.

Một thuận lợi quan trọng đối với TPHCM là Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập.

Hiện nay, TPHCM có 40 dự án đang được nghiên cứu thực hiện; trong đó, 23 dự án được HĐND thông qua chủ trương đầu tư, với tổng đầu tư dự kiến 22.394 tỷ đồng; ước tính sơ bộ sẽ tiết kiệm 16,4% ngân sách nhà nước trong kỳ trung hạn 2021-2025. HĐND TPHCM cũng đã ban hành Nghị quyết số 16 quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu, đối với các thiết chế do thành phố quản lý, quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế do quận huyện quản lý, quy mô tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên.

Nghị quyết số 98 đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình thức PPP vẫn đang thí điểm. Quá trình triển khai cần có sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương.

Chẳng hạn, việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của TPHCM vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục các bước thực hiện dự án của Luật PPP và rất nhiều quy định pháp luật khác. Ước tính thời gian thực hiện một dự án PPP tối thiểu khoảng 3 năm, trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian phải ngắn, sớm đưa công trình vận hành, kinh doanh.

“Hình thức hợp đồng hiện nay gồm tới 7 loại. Việc áp dụng loại nào để thực hiện phù hợp với thiết chế văn hóa và thể thao vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức băn khoăn.

Đáng nói, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 98 của các bộ, ngành liên quan chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, thành phố chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục báo cáo Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa Luật PPP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án, nhằm tạo điều kiện kích cầu đầu tư, phát triển thiết chế văn hóa và thể thao, làm cơ sở nhân rộng, phổ biến phạm vi áp dụng trong cả nước.

TPHCM hiện có trên 300 công trình văn hóa, thể thao công lập, trong đó 27 công trình đạt chuẩn đăng cai tổ chức, biểu diễn, thi đấu các giải quốc gia, quốc tế chính thức; 615/1.576 khu phố và 351/404 trụ sở khu phố và văn phòng ấp kết hợp tụ điểm sinh hoạt văn hóa.

TPHCM có 188 công trình được xếp hạng di tích và 100 công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử. Từ năm 2013 đến nay, TPHCM đầu tư tu bổ, tôn tạo trên 60 công trình di tích.

Các tin khác