TPHCM: Khó di dời cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư

(ĐTTCO) - Tinh trạng cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, dư luận đặt vấn đề bao giờ giải quyết dứt điểm để không còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. 
Nguy cơ cháy nổ tại những điểm tập kết phế liệu rất lớn (một điểm tập kết phế liệu bao bì ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM)
Nguy cơ cháy nổ tại những điểm tập kết phế liệu rất lớn (một điểm tập kết phế liệu bao bì ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM)

Ưu đãi thuế đất

Thực tế cho thấy, trên địa bàn TPHCM, từ lâu mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trong khu dân cư rất phổ biến, nhất là ở các khu vực ngoại thành. Các căn nhà thường nằm sâu trong hẻm nhỏ, xây dựng sát nhau, lĩnh vực sản xuất kinh doanh rất dễ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, như: buôn bán phế liệu, hàn inox - nhôm cửa sắt, dệt nhuộm, chế biến gỗ…

Thời gian qua, không chỉ có những phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, mà trên địa bàn TPHCM đã xảy ra không ít vụ cháy tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, để lại hậu quả đau lòng.

Điểm chung của nhiều cơ sở này thường có quy mô nhỏ, sử dụng nguyên liệu, hóa chất dễ cháy nổ như giấy, sơn dầu, củi đốt... Các cơ sở này hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nên thường gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, việc di dời các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là việc cần làm ngay, tách bạch khu ở với khu sản xuất là giải pháp căn cơ. Qua đó không chỉ góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, hạn chế ô nhiễm đô thị, mà còn là cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp sớm có phương án sắp xếp lại sản xuất, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích.

Trên thực tế, TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, sản xuất dễ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường khi di dời ra khỏi khu dân cư. Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (Hepza), các cơ sở, doanh nghiệp khi di dời vào khu công nghiệp (KCN) sẽ được hưởng ưu đãi về giá thuê đất; các thủ tục hành chính về giao đất tại KCN, thủ tục về đăng ký đầu tư, xây dựng và môi trường sẽ được giải quyết nhanh chóng. Tại đây, các cơ sở được cung cấp nước sản xuất, không phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ (được sử dụng hệ thống xử lý nước thải chung).

“TP đã quy hoạch KCN Phạm Văn Hai, KCN Lê Minh Xuân mở rộng, KCN Tân Phú Trung và giai đoạn 2 của KCN Hiệp Phước… để có thể tiếp nhận các cơ sở thuộc diện phải di dời trong thời gian tới”, ông Phạm Thanh Trực thông tin.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trực, hiện nay TP không còn quỹ đất nhiều, do đó đối với các cơ sở cần di dời, phải tính toán không chỉ di dời vào các KCN mà nên tính đến KCN của các tỉnh lân cận. Với hệ thống giao thông đang được cải thiện, di dời tới các tỉnh không những giúp doanh nghiệp có thể thuê đất với giá rẻ hơn mà qua đó còn giúp TPHCM từng bước bớt quá tải.

Tăng cường giám sát, xử lý

Ở góc độ cơ quan quản lý về môi trường, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, sở đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở QH-KT phối hợp Sở Công thương xây dựng kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đã có đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh để tạo điều kiện cho các cơ sở còn sản xuất trong khu dân cư di dời vào.

Đây là giải pháp hữu hiệu để các cơ sở này sản xuất ổn định, lâu dài, đúng pháp luật; đồng thời giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm do sản xuất, kinh doanh gây ra ở các khu dân cư.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để xử lý các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND các quận huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở hoạt động sản xuất trên địa bàn; đặc biệt các cơ sở thường xuyên có phản ánh, khiếu kiện, khiếu nại về môi trường.

Sở TN-MT sẽ phối hợp các sở ngành liên quan hỗ trợ và hướng dẫn các cơ sở trong việc thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn; tìm địa điểm và các chính sách hỗ trợ khi thực hiện các biện pháp di dời ra khỏi khu dân cư nếu là ngành nghề kinh doanh không được cho phép ở các khu dân cư.

* TS ĐINH THỊ THANH NGA, Khoa Luật - Trường Đại học Sài Gòn: Khuyến khích vào các cụm công nghiệp

Việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường cần được thành phố xem là nhiệm vụ cấp thiết. Tuy vậy, để giải quyết được bài toán này cũng không phải là dễ dàng, bởi các cơ sở sản xuất tồn tại trong khu dân cư đa phần có quy mô nhỏ, vốn ít. Bây giờ buộc phải di dời có nghĩa là họ phải đầu tư lại từ đầu, là vấn đề khó. Do vậy, thành phố cần có một quy hoạch chung các cụm công nghiệp, các khu tiểu thủ công nghiệp với cơ sở hạ tầng hoàn thiện cùng với những chính sách hỗ trợ về giá thuê đất, giá thuê mặt bằng, hỗ trợ về vốn vay để khuyến khích các cơ sở di dời vào đây.

Các chính sách phải cho các cơ sở này thấy được nhiều lợi ích khi di dời vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, thay vì tồn tại ở khu dân cư suốt ngày bị dân phản ánh, khiếu nại. Đừng để các cơ sở “chạy lung tung” vì như vậy sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Không nên áp đặt, cưỡng chế di dời khi chưa có chỗ di dời tới. Tóm lại, vai trò kiến tạo của nhà nước trong trường hợp này phải thực sự rõ nét.

* PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Phải có lộ trình di dời cụ thể

Thành phố cần rà soát, cập nhật số lượng cơ sở sản xuất trong khu dân cư, đặc biệt là số lượng các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt, nhuộm, chăn nuôi, giết mổ gia súc. Sau đó, phân loại để ưu tiên có lộ trình di dời cụ thể. Nếu các cơ sở không thuộc diện di dời và muốn ở lại thì phải cam kết thực hiện chuyển đổi công nghệ sản xuất, hoặc ngành nghề khác. Các cụm công nghiệp phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ điện, nước, các hệ thống xử lý nước thải, khí thải... Ngoài ra, còn phải được thiết kế diện tích mặt bằng phù hợp vì đa phần các cơ sở sản xuất cần di dời đều có quy mô nhỏ. Việc này rất quan trọng bởi trên thực tế cách nay gần 20 năm, khi TPHCM tiến hành di dời nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư nhưng thiếu “địa chỉ” đến cụ thể, đã làm cho nhiều cơ sở “mạnh ai nấy đi”. Hậu quả là, ở nhiều nơi, việc di dời rơi vào cảnh “chuyển ô nhiễm từ chỗ này sang chỗ khác”.

* PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM: Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất

Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hoặc tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là vấn đề lớn của thành phố. Sở dĩ hiện nay có tình trạng các cơ sở di dời theo chương trình di dời trước đây nhưng sau đó bị khu dân cư mới lấn tới bao quanh, có thể là do thành phố xây dựng kế hoạch chưa đúng hoặc trong quá trình thực hiện chưa đúng bởi thiếu nguồn lực, hoặc công tác giám sát, hậu kiểm chưa được thực hiện chặt chẽ. Thành phố cần có báo cáo tổng thể những ngành nghề nào cần phải di dời, những ngành nghề nào không cần di dời để tìm ra các vị trí phù hợp.

Ngoài ra, cũng cần trao đổi với các cơ sở xem họ muốn đến vị trí nào, chứ không nên ép buộc di dời vào một khu nào đó, bởi khi di dời không đúng vị trí sẽ lại gây khó khăn cho các cơ sở. Dù gì các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm nằm xen trong khu dân cư cũng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của thành phố, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động… Vì vậy, việc di dời cũng phải cân nhắc thật kỹ. Thành phố cần có các khu tiếp nhận phù hợp với từng loại ngành nghề, tránh di dời tất cả vào một khu. Đối với các cơ sở có quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực tài chính di dời nhưng nếu có mong muốn thay đổi thiết bị công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở này thực hiện nghiêm quy định thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn vay ưu đãi, giá thuê đất… Nếu việc này được thực hiện đồng bộ thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố.

Các tin khác