Ngày 8-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi các quận, huyện về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện công tác xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo Sở Y tế, việc hướng dẫn tạm thời xét nghiệm COVID-19 mới này nhằm kiểm soát dịch hiệu quả, phù hợp với yêu cầu giai đoạn hiện nay theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt” của Chính phủ, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Cụ thể, sở này cho biết không thực hiện xét nghiệm định kỳ với quy mô toàn dân trên địa bàn phường, xã, thị trấn hoặc cả quận, huyện.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh trong 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi cần điều tra dịch tễ, người đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc người thuộc diện phải cách ly y tế theo quy định.
Sở Y tế TP chỉ đạo các địa phương thực hiện xét nghiệm giám sát đối với các khu vực nguy cơ, nhóm nguy cơ trên địa bàn dân cư theo kế hoạch giám sát định kỳ, ngẫu nhiên của ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Các khu vực nguy cơ là chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội…Ngoài ra, tùy tình hình thực tế mà ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện có thể bổ sung thêm các khu vực nguy cơ trên địa bàn.
Nhóm nguy cơ là tiểu thương, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ, người lái xe máy chở khách (xe ôm), người giao hàng (shipper)...
Các đối tượng trên sẽ có tần suất xét nghiệm định kỳ hằng tháng bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10. Tỉ lệ lấy mẫu xét nghiệm tương ứng theo cấp độ dịch (tính theo cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn). Cụ thể: địa phương ở cấp độ 1, xét nghiệm 10% đối tượng; địa phương ở cấp độ 2, xét nghiệm 20% đối tượng; địa phương ở cấp độ 3 và cấp độ 4, xét nghiệm 30% đối tượng.
Đối với việc xét nghiệm các hộ gia đình trong khu vực cần điều tra dịch tễ theo quy trình xử lý F0 tại cộng đồng đã được Sở Y tế ban hành.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo test nhanh tất cả F1 trong cùng hộ gia đình và người sống trong phạm vi ổ dịch, không phân biệt tiền sử có tiêm chủng hay tiền sử mắc bệnh COVID-19. Người dân tự làm hoặc nhân viên làm nếu người dân không tự làm được.