ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, về những giải pháp cho các vấn đề này.
Chưa rõ ràng, bộc lộ nhiều hạn chế
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, TPHCM đã triển khai thực hiện Nghị quyết 54 được 1 năm. Ông nhận định như thế nào về việc áp dụng Nghị quyết này?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Nghị quyết 54 cho TPHCM những cơ chế đặc thù để làm thí điểm, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương, phân cấp phân quyền, chuyển một số quyền trước đây của Chính phủ về cho HĐND, UBND trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, ngân sách, chế độ đãi ngộ công chức, đặc biệt là sự chủ động của TP trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do địa phương quản lý.
Từ cuối năm 2017 đến nay, TPHCM đã có nhiều nỗ lực thực hiện Nghị quyết 54. Song để TP thực hiện đúng theo tinh thần tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một đô thị lớn vẫn chưa đủ.
Chúng ta xem thí điểm Nghị quyết 54 như một đợt tập dợt, để nếu như tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện như thế nào, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm. Dù những thí điểm Nghị quyết 54 chưa đủ để TP tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm, nhưng có ý nghĩa đối với TP về bộ máy, cách làm và hiệu quả. |
Do đó, việc thực hiện thí điểm từng mảng nhỏ trong tổng thể vẫn chưa rõ. Như vấn đề TP đãi ngộ công chức địa phương, trong khi thực tế trên địa bàn không chỉ có công chức địa phương. Chưa kể khi tiến hành cơ chế đãi ngộ phải cải cách tổ chức lại bộ máy, giảm gọn nhẹ, hiệu quả để tăng năng suất, tăng thu nhập. Thực tế này cho thấy còn độ vênh khiến một số vấn đề chưa đạt được trong thể chế chung.
- Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển vùng TPHCM trở thành vùng đô thị lớn năng động, là trung tâm kinh tế lớn cả nước và khu vực Đông Nam Á. Với nền tảng Nghị quyết 54, theo ông TPHCM cần làm gì để tiến tới mục tiêu này?
- Trước đây, TPHCM được đánh giá là nơi góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đó là nơi lập nghiệp của mọi người trên cả nước, nơi năng động về thị trường, về phát triển. Nhưng dần dần do quy định của pháp luật, những cách làm kiểu như “xé rào” không thể tồn tại và hình thành những cái mới cũng khó khăn.
Do đó, TPHCM cũng có những hạn chế trong đóng góp quá trình đổi mới. Mặc dù kinh tế TPHCM vẫn tăng trưởng tốt, có lúc tăng gấp 1,5-1,8 lần cả nước, nhưng khoảng cách này dần bị thu hẹp so với khu vực, với các tỉnh lân cận. Dĩ nhiên điều này cũng có khách quan do các địa phương khác phát triển.
Trong khi đó TPHCM vẫn còn nhiều dư địa phát triển cần khai thác mạnh hơn, theo đó cần tập trung giải quyết một số vấn đề.
Thứ nhất, sự yếu kém của hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối, đặc biệt là các đường vành đai. Cho đến nay, TP chưa có đường vành đai kết nối nào, tức vẫn còn tình trạng xuyên tâm. Đó là hạn chế lớn nhất. Hay vấn đề kết nối giao thông giữa vùng với các cảng lớn như cảng Cát Lái, Hiệp Phước cũng chưa thông suốt. TP chủ trương rất sớm phát triển đường sắt đô thị để giảm giao thông cá nhân, hay chủ trương hạn chế xe máy ở khu trung tâm, nhưng cũng chưa làm được.
Thứ hai, từ năm 2014 Chính phủ đã phê duyệt chủ trương phát triển vùng đô thị TPHCM, nhưng cho đến nay các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng vẫn chưa hình thành. Điều này tạo ra hạn chế cũng như sức ép rất lớn cho TP về hạ tầng.
Thứ ba, TP từ lâu chủ trương đi vào công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động, như phát triển khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu sinh học, phát triển giống cây giống con…, song hiệu quả lan tỏa còn thấp, chưa tạo ra những điều riêng biệt cho TP. Trong chuỗi giá trị, giá trị cao nhất TP cũng chưa làm được nhiều.
Vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng
- Vậy theo ông giải pháp nào để TPHCM giải quyết những vấn đề này?
- Nhìn khách quan, với vị trí của TPHCM, với những gì TP đang có, trong dài hạn vẫn còn lợi thế để phát triển so với nhiều tỉnh, thành khác, dù lợi thế đó phải có chính sách đồng bộ. Trong đó, tôi nghĩ có mấy việc cần làm. Thứ nhất là về kinh tế.
TPHCM đang chịu vấn nạn là tình trạng xây dựng làm méo mó quy hoạch, các chung cư, trung tâm thương mại vẫn tiếp tục mọc lên tại khu vực trung tâm, bất chấp tắc nghẽn về giao thông. Giải quyết không đồng bộ giữa bài toán giao thông với vấn đề xây dựng quy hoạch, xây dựng phát triển đang là tồn tại khá lớn của TPHCM. |
TPHCM nên nghĩ đến hướng không tạo ra sản phẩm cụ thể, thay vào đó tham gia công đoạn giá trị cao nhất trong chuỗi giá trị xét trên quy mô cả nước hay toàn vùng để phát triển. Chẳng hạn, TP không sản xuất hàng may mặc nhưng phát triển công nghiệp thời trang.
Đặc biệt, thời đại kinh tế số, các dịch vụ phải gắn liền kinh tế số. TP đã đúng khi nắm bắt, phát triển khu Đông thành khu đô thị khởi nghiệp sáng tạo, gắn Đại học Quốc gia với khu Công nghệ cao. Tuy nhiên, để tạo hệ sinh thái không chỉ cần 2 khu này, mà phải giải quyết đồng bộ nhiều thứ khác.
Để chủ trương này thành hiện thực, theo tôi TP phải bắt đầu công tác quy hoạch, định hình toàn bộ địa bàn, không để các dự án bất động sản chi phối làm sai lệch hướng quy hoạch phát triển. Song song đó cần có cơ chế để thu hút nguồn lực lao động kỹ thuật cao, gắn các trường đại học, khu công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu sáng tạo… với Đại học Quốc gia, hình thành những khu đô thị khoa học. Những việc như vậy thực hiện không đơn giản, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao.
Người dân đánh giá về sự hài lòng trong cải cách hành chính tại UBND quận 12. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thứ hai, TPHCM có lợi thế cửa ngõ giao lưu quốc tế, TP cảng. Vì thế, việc phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Tương tự, TP phát triển khu đô thị phía Bắc gắn với ven sông Sài Gòn, nhưng phải có đường ven sông để xử lý giao thông. Phải có những đột phá như vậy mới phát triển được TP. Bài toán của TP bây giờ phải tập trung phát triển ly tâm, không tập trung khu vực trung tâm mới có lối thoát, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Thứ ba, từ lịch sử phát triển, TPHCM luôn gắn liền với Đông Nam bộ, Tây nguyên, ĐBSCL. TP phải tiếp tục đóng vai trò là hạt nhân, là vùng động lực để kéo các vùng này phát triển, hỗ trợ các nơi giải quyết bài toán giao thông. Sắp tới theo Luật Quy hoạch, TP phải làm quy hoạch cấp tỉnh trên tổng thể quy hoạch hợp nhất các ngành, thay đổi tư duy về quản lý nhà nước. Rõ ràng, TPHCM vẫn có nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng cao.
Để người dân được hưởng lợi…
Để người dân được hưởng lợi…
- Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP chọn chủ đề năm 2019 với 2 nội dung chính là tập trung cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo ông, điều này sẽ giúp TPHCM đột phá phát triển trong thời gian tới?
- Tập trung cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 chỉ là một phần cần thực hiện nếu muốn đột phá phát triển. Để cải cách, TP phải tính toán lại và đề xuất tổ chức mô hình chính quyền đô thị như TP đã từng nghiên cứu. Thực tế trước đây TP đã đề xuất và xây dựng mô hình chính quyền đô thị, mô hình phù hợp với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương năng động sáng tạo.
Nay đã có Hiến pháp 2013, có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, TP phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện mô hình này. TPHCM nên đeo đuổi, cải cách toàn bộ nền công vụ theo mô hình này để nâng hiệu quả và làm cơ sở để tổ chức bộ máy hoạt động.
Đây là điều cực kỳ quan trọng, giúp TP phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, TP sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề, nâng hiệu quả, tinh gọn bộ máy, có điều kiện để tăng lương công chức, chống nhũng nhiễu…
Nói nôm na, cải cách hành chính có 3 bộ phận: cải cách về thể chế, cải cách bộ máy, con người. Nếu chỉ làm một bộ phận sẽ không thể nào đồng bộ phát triển được. Nếu TPHCM phát triển đồng bộ, người dân sẽ được hưởng nhiều phúc lợi hơn. Chẳng hạn, TP nâng hiệu quả công vụ một cách toàn diện, người dân được hưởng chất lượng hiệu quả từ đó, tức người dân đóng thuế hưởng lại thành quả của nền công vụ cung cấp.
Hay khi TPHCM tự chủ được vấn đề ngân sách để chống ngập, sẽ giải quyết vấn nạn ngập nước ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt người dân. TPHCM cũng đã mạnh dạn bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước để dùng tiền đầu tư cho các bệnh viện đầu ngành, như sắp khánh thành Bệnh viện Ung bướu 2 ở quận 9 và một số cơ sở y tế khác. Những phúc lợi sẽ càng cao nếu TPHCM quyết đột phá phát triển, và ngược lại điều này tạo ra điều kiện để TP tăng nguồn lực.
- Xin cảm ơn ông.