Mùa mưa năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh lại xảy ra ngập nặng ở nhiều tuyến đường trên địa bàn.
Đây luôn là vấn đề nhức nhối với chính quyền cùng hàng triệu người dân Thành phố trong nhiều năm qua.
Thành phố đã triển khai, thi công hàng chục dự án chống ngập, tuy nhiên, đến nay nhiều dự án vẫn chưa được đưa vào khai thác, tình trạng “cứ mưa là ngập” của Thành phố chưa được khắc phục triệt để.
Tiến độ thực hiện của Dự án chống ngập do nhiều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) được người dân Thành phố đặc biệt quan tâm do có quy mô cùng mức đầu tư lớn.
Tuy nhiên, từ khi thi công, Dự án đã phải tạm ngừng nhiều lần, đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Vận hành Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết theo số liệu theo dõi, hiện nay, địa bàn Thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa, gồm: Quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức); Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp); Phan Anh (quận Tân Phú); Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) và Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).
Để từng bước khắc phục tình trạng ngập nước trên các tuyến đường, Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/1/2021.
Các tuyến đường ngập được phân kỳ đầu tư cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 và sau năm 2025. Trong số đó, Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được xem là một trong những dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao).
Dự án được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018 đi qua các Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh với 6 cống ngăn triều lớn gồm Mương Chuối, Bến Nghé, Phú Xuân, Cây Khô, Phú Định và Tân Thuận.
Với quy mô rộng, người dân Thành phố đặt kỳ vọng rất lớn vào dự án bởi mục tiêu của dự án giúp kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời giúp Thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Ông Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nỗi lo ngập nước vì triều cường và mưa lớn là một trong những nỗi lo lớn nhất về môi trường đô thị tại Thành phố tồn tại hàng chục năm qua, ảnh hưởng tới cuộc sống giao thông đi lại của hàng triệu người.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh cứ đến mùa mưa hàng năm là ngập nặng, Dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng nếu được hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết được nỗi lo này của người dân Thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ thời điểm khởi công đến nay, Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã phải tạm ngừng nhiều lần vì các lý do khách quan khác nhau.
Theo ông Võ Văn Phúc, việc Dự án bị chậm tiến độ, phải dừng thi công trong thời gian dài là một lực cản rất lớn cho nỗ lực giải quyết bài toán ngập lụt của Thành phố. Nếu công trình còn chậm ngày nào, người dân nhiều khu vực của Thành phố còn phải tiếp tục “trầm mình” với nước ngập ngày đó.
Theo văn bản số 4852/UBND-DA của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về báo cáo tình hình kết quả triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP liên quan Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), khó khăn lớn nhất của Dự án là việc vướng thủ tục thanh toán cho nhà đầu tư.
Xét tổng tiến độ, đến nay Dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thiện 10% còn lại.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện đang gặp khó khăn trong việc vay vốn từ phía ngân hàng để tiếp tục thi công do thời gian vay kéo dài, ngân hàng không tiếp tục cấp vốn.
Theo hợp đồng BT đã ký trước đây giữa nhà đầu tư và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và tiền. Tuy nhiên, việc thanh toán đến nay chưa hoàn tất do phát sinh vướng mắc trong xác định trách nhiệm của các bên liên quan, thời gian hoàn thành công trình.
Nghị định 69/2019/NĐ-CP không quy định việc thanh toán các hợp đồng BT bằng tiền theo tiến độ hoàn thành mà chỉ cho phép thanh toán bằng tiền khi dự án hoàn thành nên dù ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh đã dành 5.700 tỷ đồng trong năm 2023 để chi trả cho dự án nhưng chưa có điều kiện để trả vì dự án chưa hoàn thành.
Đây là vướng mắc vượt thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nên Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, đề xuất cho phép có cơ chế thanh toán sớm hoặc có cơ chế về tài chính từ Thành phố để nhà đầu tư hoàn thành.
Trước kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 455/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ Công tác chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Thường trực Chính phủ nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, cấp thiết của Thành phố nhưng thời gian qua việc triển khai thực hiện rất chậm, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để tiếp tục thúc đẩy thực hiện dự án, sớm thi công hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư.
Về vướng mắc pháp lý, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Thành phố nghiên cứu hai phương án. Đối với phương án 1, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng Điều 2 của Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ để chủ động giải quyết những vướng mắc của dự án theo thẩm quyền; nếu vẫn còn vướng mắc thì báo cáo rõ, cụ thể vướng ở điểm nào và đề xuất giải pháp.
Đối với phương án 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố báo cáo Thường trực Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan nghiên cứu điều khoản chuyển tiếp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc của dự án trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư dự án; hướng dẫn Ủy ban Nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy định.
Về vướng mắc nguồn vốn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố có chủ trương giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án vì việc này thuộc thẩm quyền của Thành phố.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ý kiến của Tổ Công tác; khẩn trương thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 và kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 6/9/2023, báo cáo Tổ Công tác trong tháng 11/2023.
Với những nỗ lực của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng sự hỗ trợ từ Chính phủ, người dân Thành phố đang rất kỳ vọng Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sẽ sớm được tái khởi động và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.