Chiều 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Đi trước mở đường
Đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhất trí với chủ trương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TPHCM nói riêng, các vùng kinh tế trong vùng và của cả nước nói chung.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự phiên thảo luận chiều 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB cũng đồng ý với các cơ chế, chính sách dành cho Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM. Đây là công ty với vai trò quan trọng trong việc cho vay thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty này như phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng thời ưu tiên đầu tư cho một số công trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, công trình dự án chống ngập vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển hệ thống đường sắt đô thị…
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về việc cho phép TPHCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, ĐB tán thành cần có cơ chế đặc thù để phát triển, hiện đại hóa công trình đường bộ của TPHCM.
Về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, ĐB cũng đồng tình cần có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư. ĐB đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, dù là ngân sách TPHCM.
ĐB Dương Khắc Mai nhấn mạnh, TPHCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để TPHCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.
Tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực
ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng đồng tình việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết 54 nhằm tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của Quốc hội đề ra, là rất cần thiết.
ĐB Trần Khánh Thu. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo ĐB, khi xây dựng nghị quyết mới, bên cạnh những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực trong giai đoạn tới thì điều quan trọng hơn là cần phải có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TPHCM phát triển đột phá.
Về các chính sách cụ thể, ĐB thống nhất với dự thảo nghị quyết, cùng với khối lượng công việc mà TPHCM phải làm ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp.
Về những cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế, ĐB Trần Khánh Thu cho rằng, cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia. TPHCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân.
ĐB cũng đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực y tế không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, ĐB kiến nghị giao HĐND TPHCM quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.
Về vấn đề thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM, ĐB cho rằng là cần thiết. Theo ĐB, đây có thể coi là một chính sách đột phá để tham gia vào đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân từ sớm từ xa.