- Phóng viên: TPHCM nằm trong số các địa phương trên cả nước có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, TPHCM đã giải ngân được bao nhiêu?
Tại TPHCM, tính đến hết tháng 6, Kho bạc Nhà nước TPHCM xác nhận tổng số vốn giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,5%. Tỷ lệ này rất thấp so với kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn cân đối từ ngân sách Trung ương chỉ giải ngân được hơn 59 tỷ đồng, đạt 2,4% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2022. Vốn cân đối từ ngân sách địa phương đạt cao hơn (20,9%, tức hơn 6.100 tỷ đồng). Thực tế, việc giải ngân thường tập trung vào các tháng cuối năm. Nhưng tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Vì đâu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM lại thấp?
Về mặt khách quan, có thể thấy những bất ổn, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới đã làm giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao. Việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, lao động chất lượng cao, máy móc thiết bị phục vụ thi công bị gián đoạn trong những tháng đầu năm.
Ở trong nước, giá nguyên vật liệu tăng, giá nhân công cũng tăng, nên các nhà thầu tạm dừng thi công, hoặc thi công cầm chừng do lo ngại càng làm càng lỗ.
Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật về đầu tư công cũng còn rất nhiều vướng mắc. Luật Đầu tư công đang phải sửa do có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến thẩm quyền, trình tự phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư... Hay Nghị định 114/2021 về quản lý và sử dụng vốn ODA cũng đang phải sửa đổi dù mới được ban hành.
Ngoài ra, việc thực hiện các thủ tục điều chuyển vốn cũng cần phải có thời gian. Năm 2022 mặc dù là năm thứ 2 của kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất mới là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết của HĐND TPHCM về đầu tư công trung hạn. Do đó, nhiều dự án phải hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh dự án, tổ chức lập, phê duyệt thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu,... dẫn đến chưa thể giải ngân vốn được ngay.
Công tác điều chuyển vốn cũng có hạn chế nhất định, không phải muốn điều chuyển vốn cho dự án nào là có thể điều chuyển được ngay. Chẳng hạn, muốn điều chuyển vốn, chỉ có thể điều chuyển cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và đảm bảo tổng mức vốn của các dự án cũng phải nằm trong trần trung hạn do Trung ương ban hành.
Đây là tình hình khó khăn chung của cả nước, nhưng do kinh tế TPHCM có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài về nguyên liệu, lao động, nên càng bị tác động mạnh hơn các tỉnh thành khác.
- Chắc cũng phải có một phần đóng góp không nhỏ của yếu tố chủ quan?
Đúng như vậy. Vướng mắc trong công tác bồi thường, với cái gốc của vấn đề là giá bồi thường chưa sát thị trường, dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án chậm, số dự án phải chuyển tiếp sang giai đoạn trung hạn sau cũng rất nhiều. Năm 2022, TPHCM cũng chậm giao vốn, tới cuối tháng 2 mới giao nên chỉ còn 10 tháng để thực hiện kế hoạch năm.
Thẳng thắn mà nói các sở ngành, chủ đầu tư cũng chưa thực sự quyết liệt, nên việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn bị động. Nhiều dự án đã được dự phòng vốn để tăng tổng mức nhưng việc trình điều chỉnh quyết định đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư còn chậm, dẫn đến không thể giao vốn và giải ngân sớm...
Trong khi đó, năng lực của một số nhà thầu không đảm bảo. Nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm thủ tục thanh toán cho dự án tại Kho bạc Nhà nước (theo quy định là trong vòng 4 ngày kể từ ngày có khối lượng nghiệm thu), dẫn đến số liệu giải ngân chưa khớp với khối lượng thi công thực tế.
Ngày 26-4, UBND TPHCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Chương trình yêu cầu các chủ đầu tư phải có tiến độ rõ ràng và bám sát tiến độ thực hiện, khẩn trương rà soát lại tất cả dự án đã được giao về các điều kiện triển khai kế hoạch vốn năm 2022.
Chủ đầu tư cũng phải chủ động làm việc với các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn và cơ quan liên quan nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện cụ thể đối với từng dự án; tổ chức giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan để đôn đốc tiến độ từng nhiệm vụ; đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM những nội dung vượt thẩm quyền.
- Còn giải pháp trong công tác quản lý vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân?
Định kỳ hàng tháng, UBND TPHCM tổ chức hội nghị giao ban rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện để kiểm tra, đôn đốc các dự án cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án triển khai đúng tiến độ.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, TPHCM rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 để tập trung bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Đồng thời rà soát, nếu có dự án đầu tư công đã hoàn thiện hồ sơ, có thể giải ngân trong năm nay, UBND TPHCM sẽ xem xét, quyết định.
Cùng với đó, TPHCM phát huy hiệu quả của 3 tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, gồm tổ công tác về giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; tổ công tác rà soát các dự án được giao vốn lớn nhưng giải ngân chậm; tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Những giải pháp quyết liệt ấy nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và phấn đấu đến cuối năm giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM đạt trên 95%.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, giải ngân vốn đầu tư công thấp có phần do việc chuẩn bị các dự án chưa tốt, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn trong đầu tư… Bên cạnh đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Đầu năm TPHCM đã giao vốn, đến giữa năm các chủ đầu tư thấy không giải ngân được đã đề nghị trả lại 3.900 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp đến hết tháng 5-2022, trong số gần 1.800 dự án được giao vốn trong năm nay, rất nhiều dự án thậm chí chưa giải ngân được đồng nào. |