Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, vừa qua sở đã tổ chức hội thảo để tổng hợp thêm thông tin đánh giá của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia. Tuy nhiên qua hội thảo, chủ yếu các ý kiến cũng chỉ dừng ở mức độ bảo tồn, tập trung các nhận định về giá trị lịch sử văn hóa, giá trị nghệ thuật kiến trúc công trình, mà chưa đưa ra được các đề xuất về giải pháp kỹ thuật và mức độ bảo tồn với công trình.
Đây là một hạn chế do hiện chưa có chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Qua tham khảo tư liệu, hiện một số nước trên thế giới cũng đã thành công trong việc bảo tồn kiến trúc đô thị hiệu quả theo từng mức độ. Để công trình có được giải pháp bảo tồn tối ưu, sở kiến nghị TP mời chuyên gia nước ngoài.
Cho đến nay, tòa nhà Dinh Thượng Thơ vẫn chưa được đánh giá xếp hạng di tích và không thuộc danh sách các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TP. Tuy nhiên, tòa nhà cổ này thuộc danh sách các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch khu trung tâm TP 930ha.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá đây là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở TPHCM do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa (người dân hay gọi là Dinh Thượng Thơ).
Vào tháng 4-2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức triển lãm, lấy ý kiến người dân về phương án mở rộng trụ sở HĐND và UBND TPHCM (trong đó có nội dung phá bỏ toàn bộ tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng). Sau nửa tháng triển lãm, kết quả cho thấy, đa phần ý kiến đều đồng thuận việc mở rộng, cũng như thiết kế mới của tòa trụ sở UBND và HĐND TPHCM.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến góp ý liên quan đến việc bảo tồn công trình cổ Dinh Thượng Thơ. Từ đó, UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực để xem xét sự cần thiết và phương pháp bảo tồn công trình này.