Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, cấp bách.
Tuy nhiên, nhiều dự án đang phải tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng, thậm chí đã dừng thi công thời gian dài.
Dự án nâng cấp đường Lương Định Của, đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định, thành phố Thủ Đức có mức đầu tư 325 tỷ đồng, hiện thi công đạt khoảng 60% khối lượng. Tuy nhiên, khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện chậm.
Tại khu vực này còn 34/154 hộ thuộc dự án Bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đầu tư xây dựng đường Lương Định Của và 74/197 hộ thuộc các dự án của nhiều nhà đầu tư dọc tuyến đường chưa bàn giao mặt bằng.
Hiện, tổng diện tích mặt bằng bàn giao mới đạt khoảng 60%. Điều này đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra và công trình đang phải tạm ngưng để chờ bàn giao mặt bằng.
Một dự án khác cũng kéo dài rất lâu là cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè với vốn đầu tư 557 tỷ đồng. Công trình này thực hiện xây lắp phần cầu đạt 53,1% nhưng phải dừng thi công từ tháng 12/2019 do mặt bằng phần của mố M1-trụ T1 và mố M2-trụ T8 chưa được bàn giao.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) đã báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xin chủ trương điều chỉnh dự án do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng vượt tổng mức đầu tư dự án; đồng thời trình Sở Giao thông Vận tải thẩm định điều chỉnh dự án.
Về dự án này, Sở Giao thông Vận tải cho biết Sở đã có ý kiến về báo cáo giám sát đánh giá đầu tư điều chỉnh và báo cáo thẩm định điều chỉnh dự án gửi Ủy ban Nhân dân thành phố.
Ngày 16/7 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố về chủ trương điều chỉnh dự án cầu Long Kiểng. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tổng hợp, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét ưu tiên bố trí vốn cho dự án để có cơ sở thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định.
Tương tự, dự án xây dựng cầu Tăng Long có số vốn đầu tư 297 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức đã đạt khoảng 32% khối lượng nhưng phải tạm ngưng thi công đường dẫn đầu cầu phía Khu công nghệ cao do vướng mặt bằng.
Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện khâu bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn do chưa được chấp thuận địa điểm tái định cư.
Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu Khu tái định cư Long Bửu giai đoạn 2 nên chưa thể xác định đơn giá tái định cư làm cơ sở hoàn chỉnh tờ trình giá bồi thường. Hiện Ban Giao thông đang điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Cùng đó, hai dự án xây dựng cầu là Phước Long (Quận 7 và huyện Nhà Bè) và Nam Lý (thành phố Thủ Đức) hiện cũng phải tạm dừng thi công. Dự án cầu Phước Long có vốn đầu tư 356 tỷ đồng, lũy kế từ khởi công đến nay đạt gần 40% khối lượng và đang phải chờ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Còn cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc) có vốn đầu tư 647 tỷ đồng hiện cũng đạt khoảng 39% gói thầu xây dựng cầu và đường đầu cầu nhưng đang tạm ngưng, chờ địa phương bàn giao mặt bằng.
Ngày 2/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức đã có công văn trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét thông qua đơn giá bồi thường đất và giá bán nền tái định cư dự án.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều dự án khác cũng bị vướng đền bù, giải phóng mặt bằng phải dừng thi công toàn bộ hoặc dừng thi công các hạng mục như: nút giao thông Mỹ Thủy; dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (đã đạt khoảng 85%); cầu vượt Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội có khối lượng thi công đạt khoảng 24%, hiện việc tổ chức thi công công trình gặp khó do không có mặt bằng…
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm hiện nay, thành phố đang thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc bố trí nhân lực thi công xây dựng các công trình, triển khai thực hiện một số khâu liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng như: tiếp xúc, đối thoại với các hộ, cá nhân có đất bị thu hồi trong dự án gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến chậm tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ thi công xây dựng công trình.
Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị các địa phương như Quận 7, Nhà Bè, thành phố Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch để chủ đầu tư tổ chức thi công hoàn thành công trình đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, cầu Long Kiểng...
Trong Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách trong năm 2021 gồm: 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2; sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; mở rộng đường Đồng Văn Cống; sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh; đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; cầu Long Kiểng...
Hiện, một số dự án đã hoàn thành (đường Nguyễn Hữu Cảnh) hoặc đang triển khai theo tiến độ như cầu Thủ Thiêm 2.
Ngoài một số dự án tạm ngừng do vướng mặt bằng, nhiều dự án cũng dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do ảnh hưởng cảu dịch COVID-19, khó có thể hoàn thành theo tiến độ.