Chiến sĩ biệt động thương nhớ người
Theo đó, Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (CLB) tổ chức.
Các đồng chí từng tham gia cách mạng cúi đầu tiễn biệt, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG AN
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại bảo tàng chia sẻ: “Việc lập bàn thờ và di ảnh Tổng Bí thư tại bảo tàng là để các thành viên, người dân không có điều kiện đến Hội trường Thống Nhất vẫn đến đây thắp hương tưởng niệm”.
Tại nơi tưởng niệm này, nhiều đồng chí từng tham gia cách mạng, nay mái đầu đã bạc, dâng nén hương thơm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà không kìm được niềm xúc động. Ông Phan Văn Hôn, chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn chia sẻ, khi nghe tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi rất đau buồn, tiếc thương một người lãnh đạo có tâm, có tầm, vừa có tài, lại có đức. Do sức khỏe nên ông Hôn và nhiều chiến sĩ cách mạng đã chọn dâng hương, tưởng nhớ Tổng Bí thư tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn.
Dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại bàn thờ ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG AN
Các khu phố tưởng niệm Tổng Bí thư
Tại một địa điểm khác, từ sáng sớm, người dân khu phố 5, phường An Khánh, TP Thủ Đức đã có mặt ở trụ sở Ban Điều hành khu phố để chuẩn bị tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Khánh Trịnh Thị Yến Thanh, hoạt động tưởng niệm Tổng Bí thư đã được các khu phố trên địa bàn tổ chức từ sáng 24-7. Phường có 15 khu phố thì có 10 khu phố lập bàn thờ và di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Ban Điều hành khu phố, để cán bộ, đảng viên và người dân khu phố tưởng nhớ đồng chí.
Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu phố 5, phường An Khánh, TP Thủ Đức
Phật tử, người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Việt Nam Quốc Tự. Ảnh: THÀNH CHUNG
Dù ngày mai 26-7, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM mới tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Phật giáo, nhưng từ sáng sớm ngày 25-7, tại Việt Nam Quốc Tự, người dân, các phật tử đã tới tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Tổng Bí thư
Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ TPHCM đối với công lao to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Thường vụ Thành Đoàn TPHCM thực hiện không gian “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong lòng tuổi trẻ TPHCM”. Tại đây trưng bày nhiều hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những cuốn sách tiêu biểu của đồng chí.
Theo ban tổ chức, thời gian thực hiện không gian “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong lòng tuổi trẻ TPHCM” sẽ diễn ra từ 7 giờ ngày 25-7-2024 đến 17 giờ ngày 26-7-2024 tại Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).
Chị Nguyễn Quỳnh Như đọc các tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại không gian “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong lòng tuổi trẻ TPHCM”. Ảnh: CẨM TUYẾT
Nhiều hình ảnh, tư liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trưng bày tại không gian “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng mãi trong lòng tuổi trẻ TPHCM”. Ảnh: CẨM TUYẾT
Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Đối ngoại Thành Đoàn TPHCM Nguyễn Văn Hoàng cho biết, qua không gian này, Thành đoàn TPHCM muốn chia sẻ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như thể hiện tinh thần của tuổi trẻ TPHCM là luôn sẵn sàng, tiếp bước, tiếp nối những di sản mà đồng chí để lại.
Hình ảnh một số nơi tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Người dân đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại không gian tưởng niệm ở phường 9, quận Phú Nhuận
Dâng hương tiễn biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Chùa Ấn Quang (quận 10)
Dâng hương tiễn biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Trường hạ Chùa Kiều Đàm (TP Thủ Đức)
Tập thể cán bộ, giảng viên Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Quốc gia TPHCM và sinh viên tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: THÀNH CHUNG