
* Dịch tả heo châu Phi lan rộng ở ĐBSCL
Trước đó, ngày 10-6, hộ nuôi của bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9) thông báo đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM phát hiện 3 con heo bị chết, các con còn lại có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu xét nghiệm gởi Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) để chẩn đoán và cho ra kết quả xét nghiệm dương tính bệnh dịch tả heo châu Phi.
Ngày 11-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND quận 9 triển khai tiêu hủy đàn heo của hộ Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con: 23 nái sinh sản, 112 con heo thịt, 28 con cai sữa.
Song song đó, rải vôi bột tại khu vực hộ chăn nuôi, khu vực xử lý và hố chôn, tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày kể từ ngày xử lý heo bệnh.
Hiện tại, trên địa bàn phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi tổng đàn 506 con heo, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp UBND quận 9 triển khai cấp thuốc sát trùng cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục mỗi ngày trong 7 ngày kể từ ngày; tiêu độc định kỳ 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Tạm thời các hộ này không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh An Giang vừa công bố dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, vùng có dịch gồm các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên. Bên cạnh đó, các vùng bị dịch uy hiếp gồm các huyện Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, Phú Tân, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Luật Thú y hiện hành; nhanh chóng dập tắt ổ dịch, điểm dịch tả heo châu Phi trên địa bàn theo đúng quy định.
Sở NN-PTNT An Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; thành lập các đội lưu động, tăng cường kiểm tra các chốt chặn đảm bảo việc vận chuyển động vật an toàn…