Một số cửa hàng tặng khẩu trang cho khách hàng. Ảnh: TTXVN
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Triển khai nhiều giải pháp ứng phó
Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngay từ khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh tại Trung Quốc, ngành y tế TPHCM đã theo dõi sát sao, đánh giá nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào TPHCM bởi TP có đông dân, là đầu mối giao thông khu vực phía Nam và là nơi tổ chức nhiều sự kiện đông người. Tại TPHCM, ngoại trừ 2 ca là du khách người Trung Quốc được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (trong đó một người đã khỏi bệnh với kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV), đến thời điểm này chưa phát hiện thêm ca lây nhiễm nào tại cộng đồng trên địa bàn TP.
TPHCM đã chủ động triển khai từ rất sớm các biện pháp ứng phó. Cụ thể, triển khai các biện pháp giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như trong cộng đồng, từ đó thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sớm nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã triển khai giám sát các hành khách nhập cảnh từ vùng dịch và cũng chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện mắc bệnh. “Hiện tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP luôn trong tư thế sẵn sàng các kịch bản, lên phương án, tình huống xấu nhất để đối phó. Sở Y tế cũng đã thành lập 26 đội phản ứng nhanh tại TP, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ thành lập bệnh viện dã chiến để đáp ứng và đối phó với dịch”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Không thiếu kinh phí chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất là làm cho người dân hiểu rõ được cách phòng chống dịch bệnh và thực hiện. Cần phải có các bộ tài liệu bỏ túi phát cho từng hộ dân để họ nắm được cách thức phòng tránh, đồng thời là thông tin liên hệ nếu có các triệu chứng nghi ngờ. Thành ủy TPHCM đã yêu cầu UBND TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc in ấn tài liệu truyền thông này, hoàn thành trước ngày 3-2, để Mặt trận Tổ quốc các cấp phát miễn phí cho người dân. Trong trường hợp dịch bệnh nCoV lan rộng, Bộ Tư lệnh TP phải phối hợp với Sở Y tế triển khai bệnh viện dã chiến.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, người đứng đầu cấp ủy phải chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác chống dịch; đáp ứng đủ khẩu trang, nước rửa tay cho người dân. TP cũng luôn sẵn sàng kinh phí để đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, công cụ làm việc cho các cán bộ y tế; không để cho cán bộ y tế bị lây nhiễm dịch bệnh do thiếu đồ bảo hộ.
“TP khẳng định không thiếu kinh phí chống dịch. Những người mắc, nghi nhiễm nCoV vào các cơ sở y tế đều được giám sát, chữa trị miễn phí. Đến trưa 3-2, các bệnh viện đều phải dành một khu cách ly khi có yêu cầu theo phân công của Bộ Y tế và các bệnh viện không chuyên về truyền nhiễm phải được tập huấn, trang bị phương tiện. Lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo quận, huyện, các sở ngành có trách nhiệm, đảm bảo TP được bình yên, có điều kiện phát triển. Những hoạt động nào xung đột với lợi ích kinh tế và an toàn xã hội thì chấp nhận thiệt hại về kinh tế”, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu.
Trước tình hình dịch nCoV có chiều hướng gia tăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ thị khẩn về tăng cường phòng chống dịch nCoV, yêu cầu: Sở Y tế TPHCM thường xuyên cập nhật chỉ đạo của Bộ Y tế để hướng dẫn các quận, huyện thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm bệnh tại TP. Cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm. Phối hợp cùng các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các vùng có dịch tại các cửa khẩu. Phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Không để xảy ra trường hợp người bệnh và cán bộ y tế lây nhiễm dịch bệnh này.
Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND TP lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TPHCM; kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh khi có người nhiễm. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị cách ly bệnh nhân, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh, thuốc, hóa chất phòng chống dịch, chẩn đoán, điều trị cho người mắc bệnh.
Thực hiện theo đúng quy trình, phác đồ điều trị bệnh nhân do Bộ Y tế ban hành, hạn chế thấp nhất tử vong. Sở Y tế TPHCM cũng phải chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn củng cố các đội cơ động phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện của bộ, ngành tại TPHCM, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân điều trị khi có yêu cầu. Giao tất cả các sở, ngành, UBND các quận, huyện vào cuộc, chung tay phối hợp với ngành y tế sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch tại địa phương và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống nCoV trên địa bàn.