Phát biểu chỉ đạo, ông Võ Văn Hoan cho rằng, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có các quy định nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định và cách xử lý còn lúng túng. Nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, không phải việc của mình.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Không chấp nhận một đô thị lớn mà từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến người dân. Cần triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp và quyết liệt với tệ nạn này”.
Báo cáo tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, cho biết tiếng ồn phát sinh từ 4 nguồn. Nguồn thứ nhất, từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club… Nguồn thứ 2 là quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.
Nguồn thứ 3 là hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác…
Cuối cùng là các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).
Thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cho thấy, giai đoạn 2019 - 2020, thành phố đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại 17 quận/huyện. Số tiền xử phạt hơn 818 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, có 2 quy định hiện hành cho phép xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn là Nghị định 155 và Nghị định 167. Tuy nhiên, Sở nhận định cả 2 Nghị định này đều có hạn chế.
Cụ thể, theo Nghị định 155, việc xác định vi phạm bắt buộc phải dựa trên kết quả đo đạc môi trường được thực hiện bởi đơn vị có chức năng. Trong khi đó, nguồn gây ồn từ dịch vụ và sinh hoạt của người dân thường phát sinh bất chợt nên cơ quan chức năng khó phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm…
So với Nghị định 155, Nghị định 167 thuận lợi vì cho phép xử phạt mà không cần đo đạc, tuy nhiên, mức phạt còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian xử lý vi phạm cũng bị giới hạn từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Về giải pháp trong thời gian tới, Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, TPHCM tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Giai đoạn 2 là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trong đó, đề xuất TPHCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho công an và chủ tịch UBND các cấp với nguồn gây ồn từ sinh hoạt của người dân.
Về phương tiện đo đạc, Sở kiến nghị cho phép sử dụng phương tiện đo đạc tiếng ồn như phần mềm điện thoại di động (app) hoặc các phương tiện cầm tay hợp chuẩn do Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh, thành công bố.
Sở cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ Công an trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm gây tiếng động lớn tại khu dân cư, nơi công cộng. Đồng thời, Sở đề xuất không giới hạn thời gian để xử lý vi phạm.