TPHCM: Sẽ xử lý ùn tắc giao thông bằng công nghệ AI

(ĐTTCO) - Sau khi Nghị định số 168 có hiệu lực từ ngày 1-1, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM trở nên nghiêm trọng hơn. Theo phản ánh từ người dân, thời gian di chuyển hàng ngày tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.

TPHCM: Sẽ xử lý ùn tắc giao thông bằng công nghệ AI

Áp lực giao thông tại các tuyến đường chính

Chiều 9-1, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại các tuyến đường huyết mạch trong nội đô như Nguyễn Tất Thành (quận 4), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) cho thấy cảnh tượng ùn tắc kéo dài.

Giao thông ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Xí - Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) chiều ngày 9-1. Ảnh: TRẦN YÊN

Anh Võ Văn Trí, người dân sống tại đường Đồng Đen (quận Tân Bình), chia sẻ rằng anh mất hơn 1 tiếng đồng hồ nhưng chỉ mới đi được nửa đoạn đường từ nhà đến công ty trên đường Võ Văn Tần (quận 3). “Quy định không được leo lề hay rẽ phải khi đèn đỏ làm mọi người phải chờ đợi, nhưng đường quá hẹp, ô tô chiếm làn khiến xe máy không có chỗ để di chuyển”, anh bức xúc.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận Gò Vấp), cho biết đoạn đường từ nhà chị đến nơi làm việc tại quận Tân Bình thời gian di chuyển vốn chỉ mất khoảng 25 phút, nay kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, ngay cả khi di chuyển ngoài giờ cao điểm. Các tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Phổ Quang và Phạm Ngũ Lão đều chật kín phương tiện. “Xe cộ nhích từng chút một, ánh mắt ai cũng mệt mỏi. Làn đường thì nhỏ, trong khi các giao lộ và đèn tín hiệu lại dày đặc,” chị Hà chia sẻ.

Theo Sở GTVT, từ đầu năm 2024 đến tháng 9, TPHCM ghi nhận 6 điểm ùn tắc giao thông có cải thiện, nhưng 10 điểm vẫn phức tạp và 8 điểm không có chuyển biến. Ngoài ra, các nút giao thông quan trọng như vòng xoay Dân Chủ (quận 3), nơi phương tiện từ ba hướng trên các đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng 8, Ba Tháng Hai đổ về, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, dòng phương tiện kéo dài không ngớt. Đường Trường Chinh (quận Tân Bình), đoạn qua các giao lộ với Tân Kỳ Tân Quý và Âu Cơ, cũng trong tình cảnh tương tự, với ô tô và xe máy chen chúc nhau dưới nắng nóng.

Một trong những thay đổi đáng chú ý của Nghị định số 168 là tăng cường xử phạt hành vi leo lề, rẽ phải khi đèn đỏ (nếu không có đèn báo hiệu cho phép) và vượt đèn đỏ. Quy định này đã nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhưng lại khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng tại các tuyến đường vốn dĩ có mật độ phương tiện cao và bề rộng đường hạn chế.

Tại nhiều giao lộ ở TPHCM, do không có làn riêng cho xe máy hoặc ô tô, phương tiện hỗn hợp chồng chéo nhau khiến xe máy không thể di chuyển.

Thử nghiệm ứng dụng AI

Sở GTVT hiện quản lý hơn 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông, nhưng chỉ có 227 chốt được kết nối điều khiển tại trung tâm. Số còn lại do cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong và dân quân tự vệ hỗ trợ điều tiết. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện quá đông, vượt khả năng điều phối của lực lượng chức năng.

Ùn tắc giao thông trên cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 5, TPHCM) chiều tối 9-1. Ảnh: QUỐC HÙNG

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, TPHCM đã thử nghiệm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại một số nút giao thông như Hàng Xanh, Ngã năm Đài Liệt Sĩ và đường Phạm Văn Đồng. Hệ thống này giúp điều chỉnh linh hoạt thời gian đèn tín hiệu, cải thiện khả năng lưu thông tại các khu vực thí điểm.

Ngoài ra, TPHCM đang triển khai các dự án điều khiển giao thông tự động trên trục đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng để thu thập dữ liệu và phát hiện tắc nghẽn trong thời gian thực.

Sở GTVT cũng đề xuất lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu cho phép rẽ phải tại một số giao lộ để giảm tình trạng dừng chờ kéo dài. Việc ứng dụng công nghệ AI dự kiến sẽ mở rộng sang các khu vực đông đúc khác như sân bay Tân Sơn Nhất và các nút giao trọng điểm trong trung tâm thành phố.

Từ đầu năm 2025, Công an TPHCM sẽ chịu trách nhiệm điều khiển hoạt động đèn tín hiệu giao thông, trong khi Sở GTVT tập trung vào quản lý, bảo trì và chia sẻ dữ liệu. Sự phối hợp giữa hai đơn vị này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý giao thông và giảm ùn tắc trong thời gian tới.

Dù vậy, để giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc giao thông, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông, mở rộng làn đường và xây dựng thêm các tuyến đường vành đai, cầu vượt, metro.

Song song đó, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, phát triển giao thông công cộng và giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân cũng là những giải pháp dài hạn cần được ưu tiên. Tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM đang là bài toán khó, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan chức năng, người dân và các bên liên quan.

Các tin khác