TPHCM: Siết an toàn thực phẩm suất ăn từ thiện

(ĐTTCO) - Vụ việc ngộ độc thực phẩm hàng loạt sau tiệc Trung thu tại khiến một trẻ tử vong làm dấy lên mối lo ngại về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) các suất ăn, thực phẩm từ thiện, thực phẩm được tài trợ.

Suất ăn từ thiện - mạnh ai nấy phát

10 giờ sáng mỗi ngày, bên ngoài cổng số 6 của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, hàng dài người xếp hàng để nhận những suất ăn từ thiện của một nhóm người. Theo quan sát, cơm, thịt, cá, rau được nhóm người tặng đựng trong các khay inox xếp trên một chiếc bàn ngay lề đường. Thân nhân người bệnh tự mang theo tô, hộp để đựng thức ăn. Mỗi ngày, nhóm người này phát hàng trăm suất ăn.

Tương tự, khu vực xung quanh các bệnh viện Ung bướu TPHCM, Nhân dân 115, Trưng Vương… có rất nhiều điểm phát cơm từ thiện. Đa số các suất ăn phát ở đây đều được chế biến từ nơi khác, chia sẵn từng phần vào hộp, bịch ni lông và vận chuyển đến. Việc phát cơm từ thiện cũng thường xuyên diễn ra tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố do các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Một điểm phát cơm từ thiện trên đường Phạm Hùng, quận 8, TPHCM

Một điểm phát cơm từ thiện trên đường Phạm Hùng, quận 8, TPHCM

Cứ vài tháng một lần, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận Tân Phú) lại phát tâm nấu cơm để phát miễn phí cho những người lao động nghèo ở địa phương mình sinh sống.

Chị Mai cho biết: “Mỗi lần nấu cơm, tôi đều tự đi chợ mua nguyên liệu và cùng với những người thân trong gia đình chế biến, nấu nướng rồi cho sẵn vô hộp để đi phát đến người nghèo, nên tôi nghĩ các suất ăn của mình đều đảm bảo an toàn”. Còn anh Hoàng Vĩnh Thái (ngụ quận 10) thì thỉnh thoảng đặt 100 suất ăn tại một quán cơm của người quen rồi mang đi phát từ thiện. Tuy nhiên, khi được hỏi về các quy định đảm bảo ATTP đối với các suất ăn phát từ thiện, anh Thái hoàn toàn không hay biết.

Thực tế, việc phát cơm từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp nhằm san sẻ một phần khó khăn với những người bệnh, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh ngặt nghèo. Tuy nhiên, lâu nay hoạt động này diễn ra hoàn toàn tự phát, cơ quan chức năng chưa thể quản lý. Rất khó để tìm được giấy chứng nhận ATTP của các suất ăn miễn phí này.

Nhiều bếp ăn, mạnh thường quân nấu cơm từ thiện mà không biết rằng phải đăng ký chứng nhận ATTP với cơ quan có thẩm quyền. Việc làm này đôi khi gây ra nguy hiểm cho sức khỏe của người nhận cơm từ thiện.

Vụ việc một người phụ nữ ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nấu chè đậu trắng phát từ thiện khiến hơn 80 người ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 người tử vong, hồi đầu năm 2023 là một sự cố vô cùng đáng tiếc trong công tác quản lý ATTP suất ăn từ thiện.

Vẫn còn "khoảng trống quản lý"

Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin, mỗi ngày Bếp yêu thương của bệnh viện phát 4.000-5.000 suất ăn miễn phí đến người bệnh và thân nhân. Để được phát suất ăn miễn phí tại bệnh viện, các đơn vị từ thiện phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận ATTP. Bệnh viện từ chối tất cả các trường hợp cung cấp suất ăn không rõ ràng, không có chứng nhận ATTP. Các đơn vị từ thiện đăng ký cung cấp suất ăn tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều đảm bảo các yêu cầu do bệnh viện đưa ra với tiêu chí “an toàn là trên hết”.

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, tâm tư, không ít trường hợp kêu ca bệnh viện làm khó khi không cho họ phát cơm từ thiện trong bệnh viện.

“Nhiều lần chúng tôi phải từ chối các suất ăn mà các nhóm từ thiện mang đến do không có chứng nhận ATTP. Chúng tôi yêu cầu như thế cũng vì sự an toàn cho bệnh nhi và người nhà. Sau đó, tôi được biết là họ đưa những suất ăn đó ra ngoài cổng bệnh viện để phát, nhưng đành chịu thôi”, bác sĩ Khanh bày tỏ.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, nhìn nhận, quản lý thực phẩm từ thiện vẫn còn là một “khoảng trống”, hiện vẫn chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả. Do thực phẩm phát từ thiện không nhằm mục đích kinh doanh nên không cần phải đăng ký, đóng thuế; và khi không đăng ký kinh doanh thì cơ quan chức năng không thể thẩm định, cấp phép.

“Việc kiểm soát thực phẩm từ thiện khó hơn những đơn vị được cấp phép, điều này kéo theo tần suất và xác suất kiểm tra sẽ ít hơn. Chưa kể đây cũng là đối tượng làm từ thiện, nói thật là chúng tôi rất ngại kiểm tra, nhiều khi họ lại nghĩ làm phiền”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM cho rằng, thực phẩm dù từ thiện hay không từ thiện vẫn phải đảm bảo an toàn. Không phải cứ đồ cho là muốn sao cũng được, bởi khi xảy ra sự cố thì người cho vẫn phải chịu trách nhiệm.

Để lấp đầy “khoảng trống” trong quản lý, xử lý các suất ăn từ thiện, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, cần có các quy định thẩm định cấp phép riêng cho tất cả thực phẩm từ thiện, từ đó người sử dụng cũng cảm thấy yên tâm hơn. Hiện Ban Quản lý ATTP TPHCM đã có kế hoạch để thống kê tất cả các cơ sở từ thiện trên địa bàn. Trước mắt sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người làm từ thiện để đảm bảo ATTP.

“Đa số hoạt động từ thiện xuất phát từ tâm, nên vẫn hy vọng khi người dân làm từ thiện sẽ cung cấp những thực phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo an toàn”, người đứng đầu Ban Quản lý ATTP TPHCM nói.

Các tin khác