Những dự án gây lãng phí
Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya), là một trong số hàng trăm dự án BĐS, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị UBND TPHCM “điểm danh” là dự án chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất. Dự án này có quy mô 880ha, nằm gần Quốc lộ 22, có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD (tương đương 59.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư dự kiến hoàn thành xây dựng và hoàn thiện dự án trong vòng 10 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Berjaya đã tiến hành các thủ tục để trình cơ quan Nhà nước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án. Nhưng cho đến nay toàn bộ khu vực dự án vẫn chưa có dấu hiệu thi công sau hơn 15 năm phê duyệt.
Theo ghi nhận của ĐTTC, hàng trăm ha trong khu vực này bị hoang hóa, đất đai cỏ mọc um tùm, nhà cửa người dân xuống cấp do bị “quy hoạch treo”.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, dự án kéo dài nguyên nhân công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Hiện tại nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong khu quy hoạch treo. Hiện khu vực dự án có khoảng gần 200 căn nhà, chủ yếu là nhà cấp 3, 4. Việc dự án kéo dài nhiều năm mà chưa được triển khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Một dự án khác sau 7 năm triển khai là chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), cho đến nay vẫn là một bãi đất trống sau khi phá dỡ chung cư cũ. Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết từ năm 2010, chung cư 350 được UBND TPHCM giao cho CTCP Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư xây dựng mới.
Đến nay quyết định thời gian thực hiện dự án đã không còn hiệu lực, do đó chủ đầu tư đang liên hệ Sở Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) để gia hạn. Sau khi được gia hạn, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) đã tham mưu cho UBND TPHCM giao đất cho chủ đầu tư để khởi công. Tuy nhiên, dự án lại gặp khó khăn liên quan vấn đề quy hoạch.
Đó là vào năm 2009, khi UBND quận Tân Bình mời gọi đầu tư chung cư có quy mô 18 tầng, nhưng theo quy hoạch 1/2.000 chỉ có 14 tầng. Vì sự chênh lệch này, Sở KHĐT đã đề nghị chủ đầu tư liên hệ với UBND quận Tân Bình lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Trên cơ sở giải quyết xong vấn đề quy hoạch mới giải quyết việc gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Theo đại diện chủ đầu tư, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục, từ thủ tục chủ trương đầu tư đến chi trả chi phí tiền tạm cư cho người dân… Thế nhưng, sau 13 năm doanh nghiệp vẫn chưa được UBND TPHCM giao đất để thực hiện. Được biết dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, hiện trạng dự án là đất trống, công ty đang ngừng thi công. Cơ quan chủ trì tham mưu tháo gỡ khó khăn là Sở Xây dựng và Sở KHĐT.
Không chỉ dự án chuẩn bị đầu tư bị ngưng trệ, lãng phí mà cả những dự án đã hoàn thành cũng bị “lãng phí”, bị UBND TPHCM “điểm danh”. Đó là tình trạng 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hàng ngàn căn hộ tại đây đã hoàn thành từ nhiều năm nay, nhưng kế hoạch “tái định cư” như mục tiêu ban đầu bị phá sản.
UBND TPHCM đã giao cho các cơ quan chức năng đưa những căn hộ ra đấu giá nhiều lần nhưng chưa thành công. Hiện nay mỗi năm TPHCM phải chi hơn 70 tỷ đồng để thực hiện công tác bảo trì, bảo vệ. Mới đây, UBND TPHCM tiếp tục lên kế hoạch đấu giá những căn hộ này.
Phân nhóm dự án để xử lý
Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng, Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó thường trực, và Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn làm Tổ phó. Tổ công tác còn có các thành viên là giám đốc các Sở Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, GTVT, TNMT, QHKT.
Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai thực hiện Công điện 112 của Thủ tướng Chính phủ, về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công; khẩn trương triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát. Đồng thời, tổ cũng theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định.
Theo kế hoạch, các sở, ban ngành của TPHCM tập trung rà soát các công trình, dự án tồn đọng theo 5 nhóm.
Nhóm 1 là các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác đối tác công tư.
Nhóm 2 là các tài sản công, bao gồm trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả và các loại tài sản công khác không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Nhóm 3 là các tài sản, dự án đầu tư tồn đọng, dừng thi công, không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc UBND TPHCM, hoặc của doanh nghiệp có phần vốn góp của các doanh nghiệp này.
Nhóm 4 gồm các công trình, dự án tồn đọng liên quan tới quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Nhóm 5 là nhóm các khu đất có diện tích lớn, vị trí đắc địa chưa được đưa vào sử dụng.
Sở KH&ĐT được UBND TP.HCM giao làm cơ quan đầu mối rà soát các công trình, dự án tồn đọng; phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc. Cơ quan này cũng được giao xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng.
Cùng đó là thực hiện kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc và phối hợp giải quyết vướng mắc cho tới khi có kết quả cuối cùng; tổng kết, đánh giá, báo cáo kết quả xử lý giải quyết vướng mắc. Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31-12.
UBND TPHCM cho biết, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, chính quyền TPHCM kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.