TPHCM thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao

(ĐTTCO) - Hiện một số ngành như tài chính kỹ thuật số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và dịch vụ y tế cao cấp, TPHCM vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao.

Sáng 10-10, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp ở TPHCM”. Hội thảo với mục tiêu xác định thực trạng chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, đề ra giải pháp giúp người lao động có sự chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp hiệu quả, bảo đảm việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

image_123650291 (2).JPG
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Dư

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện phát triển TPHCM nhấn mạnh, để chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, yếu tố quan trọng nhất là phải thực hiện tốt công tác dự báo tương đối chính xác các thông tin ngành nghề thì mới xác định được câu chuyện chuyển đổi cho cả doanh nghiệp và người lao động.

"Các cơ sở giáo dục cần bám sát thực tiễn doanh nghiệp để có hướng đào tạo phù hợp, tiệm cận với đòi hỏi nhu cầu của từng ngành nghề trong tình hình mới. Từ đó để người lao động có sự chuẩn bị tốt ngay từ đầu, đáp ứng được các kỹ năng của ngành nghề, doanh nghiệp trong tương lai", ông An phân tích.

image_123650291 (1).JPG
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện phát triển TPHCM. Ảnh: Đình Dư

TPHCM là địa phương có hoạt động kinh tế năng động, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo số liệu thống kê, TPHCM có trên 220.000 doanh nghiệp và 416.474 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động. Lực lượng lao động trên địa bàn khoảng 4,84 triệu người, trong đó số lao động đang làm việc là 4,66 triệu người. Bên cạnh lực lượng lao động là người Việt, còn có 28.668 người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động.

“Chất lượng nguồn cung lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu lao động đối với thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 đạt 87,27%, nhưng số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận vẫn chiếm tỷ lệ khá cao", ThS. Nguyễn Thị Lê Uyên và các thành viên nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Theo bà Uyên, kỹ năng nghề của lao động mới tham gia thị trường vẫn còn nhiều trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động, chưa khắc phục nghịch lý thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành quan trọng.

Từ đó, bà Uyên cho rằng để nâng cao hiệu quả chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đòi hỏi chính quyền cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách; doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình đào tạo; người lao động chủ động nâng cao nhận thức, trau dồi kỹ năng; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi xanh.

image_123650291.JPG
Bà Nguyễn Thị Triều, Trưởng Phòng Dự báo - Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM. Ảnh: Đình Dư

Bà Nguyễn Thị Triều, Trưởng Phòng Dự báo - Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dẫn chứng trong một số ngành dịch vụ như tài chính kỹ thuật số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và dịch vụ y tế cao cấp, TPHCM vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao. Các kỹ năng chuyên môn về phân tích dữ liệu, quản lý tài sản số và các dịch vụ y tế tiên tiến chưa được đào tạo phổ biến, bài bản dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tìm kiếm nhân lực từ nước ngoài hoặc đầu tư nhiều vào đào tạo nội bộ.

Từ thực tế này, bà Triều kiến nghị một số giải pháp về lao động, việc làm gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế của TPHCM, đáng chú ý là cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế của thị trường, giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế; đảm bảo sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngay từ đầu.

"Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo, tổ chức các khóa thực tập, tạo điều kiện để sinh viên, học viên tham gia học kỳ doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng và logistics" bà Triều phân tích.

Các tin khác