TPHCM và thách thức 'kép' về vấn đề dân số

(ĐTTCO)-Thành phố Hồ Chí Minh trước thách thức 'kép' về vấn đề dân số khi tỷ suất sinh trong giới trẻ thấp và tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.
Điều dưỡng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Điều dưỡng Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tỷ suất sinh thấp và già hóa dân số được xem là hai thách thức lớn trong lĩnh vực dân số của Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong tương lai.

Làm sao gia tăng tỷ suất sinh cũng như kìm hãm tốc độ già hóa dân số, chăm lo tốt cho sức khỏe của người cao tuổi là bài toán đang được đặt ra.

Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lười sinh con, do đâu?

Theo số liệu của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 năm 2022.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Đây được dự báo sẽ là trở ngại cho vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh.”

Tình trạng chỉ sinh một con, thậm chí không kết hôn, không sinh con đang dần phổ biến trong phụ nữ trẻ hiện nay.

Dù con gái đã hơn 11 tuổi nhưng chị Lê Thị Hà (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vẫn quyết định không sinh thêm bé thứ hai.

“Hai vợ chồng mình đều ở tỉnh lên Thành phố làm công nhân, thu nhập thấp. Hai năm nay, công ty chồng mình khó khăn, công việc ít nên kinh tế càng eo hẹp. Mình vẫn chưa mua được nhà nên không nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai,” chị Hà chia sẻ lý do chỉ sinh một con.

Không bị áp lực về kinh tế khi có chồng làm việc cho một tập đoàn lớn nhưng chị Trần Như Quỳnh (30 tuổi, ngụ Quận Bình Thạnh) vẫn quyết định chỉ sinh một con.

Chị Quỳnh cho hay hai vợ chồng đều bận rộn với công việc và các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, không có nhiều thời gian vào việc chăm sóc con cái.

“Nếu sinh con ra mà lại giao hết cho người giúp việc, tôi nghĩ không nên sinh tiếp nữa. Sinh con là phải có trách nhiệm đảm bảo cho con một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, tình cảm,” chị Quỳnh nêu quan điểm.

Một khảo sát của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy phụ nữ ngày càng kết hôn muộn, cùng với đó những áp lực về việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt khiến cho tỷ suất sinh đẻ giảm.

Cùng với đó, chi phí cho việc nuôi dạy và chăm sóc con cái từ ăn, ở, mặc cho đến giáo dục, vui chơi giải trí… đều tăng cao dẫn đến tâm lý sinh ít để có điều kiện tốt nhất cho con phát triển.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc phụ nữ sinh ít con, chỉ ở mức dưới 1,4 con như hiện nay khiến cho nguy cơ Thành phố sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai.

Mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, trong khi tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng.

Điều này làm gia tăng tốc độ già hóa dân số của Thành phố. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang giai đoạn già hóa dân số với số lượng người cao tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số.

Cần chính sách "khuyến sinh" hợp lý

Trước tình trạng mức sinh giảm sút trên địa bàn, tháng 3/2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030.”

Thành phố đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con.

Quy mô dân số Thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và đạt 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.

Thành phố Hồ Chí Minh cần có chính sách khuyến khích để cải thiện tình trạng tỷ suất sinh thấp hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Theo các chuyên gia, mục tiêu trên để đạt được là không dễ dàng. Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại nếu Thành phố không có chính sách khuyến sinh hợp lý rất khó tăng tỷ suất sinh trên địa bàn.

Thạc sỹ Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số và Phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ Thành phố cần có những chính sách phù hợp để giảm áp lực cho người phụ nữ. Làm sao để họ cảm thấy việc mang thai sinh con được gia đình và xã hội chia sẻ.

Bày tỏ quan điểm, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu không có các chính sách "khuyến sinh" hợp lý, khoảng từ 20-30 năm sau, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ giống như Nhật Bản và Hàn Quốc bây giờ, phải đối mặt với tình trạng dân số già và thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo bác sỹ Lê Trường Giang, Thành phố Hồ Chí Minh cần dừng ngay các chính sách kiểm soát sinh để chuyển hẳn sang chính sách khuyến khích sinh bằng cách thay đổi khẩu hiệu từ “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” thành “Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình.”

Đồng thời, thành phố tăng cường các chính sách hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy trẻ em để giảm gánh nặng, giúp phụ nữ có đủ điều kiện sinh con, nuôi dạy con nhưng vẫn có thể thăng tiến trong công việc và hoạt động xã hội…

Ông Phạm Chánh Trung cho biết đơn vị đề xuất với Ủy ban Nhân dân Thành phố các chính sách nhằm tăng tỷ suất sinh trong những năm tới như: Miễn, giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu tại Thành phố; ưu tiên hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, thuê nhà đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu Thành phố.

Cùng với đó, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình đề xuất miễn, giảm học phí cho trẻ dưới 10 tuổi, bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh, triển khai chương trình sữa học đường.

Chất lượng sống của người cao tuổi chưa cao

Với tỷ lệ người cao tuổi hiện chiếm hơn 11% tổng dân số, dân số Thành phố Hồ Chí Minh chính thức bước vào giai đoạn “già hóa.”

Tuy nhiên, chất lượng sống của người cao tuổi chưa cao. Nhiều người vẫn phải đối mặt với những khó khăn như không có thu nhập, sống nhờ vào con, bệnh tật…

Thống kê mới nhất của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Thành phố tăng với tốc độ khá nhanh trong những năm gần đây.

Nếu năm 2019, người cao tuổi mới chiếm khoảng 9,3%, năm 2022 đã tăng lên 11,03%, tương đương khoảng 1,03 triệu người.

Một người khuyết tật bán vé số trên đường Phan Chu Trinh, phường Bến Thành, Quận 1. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

“Theo mô hình chuyển đổi dân số, người trên 60 tuổi dao động 10-20% được gọi là già hóa dân số, vượt qua 20% là dân số già. Căn cứ số liệu thống kê nói trên, có thể khẳng định, dân số Thành phố đang bước vào giai đoạn già hóa,” ông Phạm Chánh Trung cho hay.

Không những gia tăng số lượng người cao tuổi mà tuổi thọ trung bình của người dân đang tăng. Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố Hồ Chí Minh là 76,3, trong khi trung bình cả nước là 73,6 tuổi.

Ở tuổi 69, ông Trần Văn Phùng (ngụ Phường 5, Quận 3) vẫn hàng ngày ra đường Võ Văn Tần bơm vá xe máy để mưu sinh.

Ông tâm sự: “Ngày nhiều, tôi kiếm được trăm nghìn, ngày ít được dăm chục. Vợ tôi 65 tuổi nhưng vẫn phải làm giúp việc theo giờ cho một vài gia đình. Thu nhập cũng chỉ như tôi thôi. Hai vợ chồng làm chỉ đủ ăn ngày ba bữa, còn lại vẫn phải trông nhờ vào con cháu.”

May mắn hơn ông Phùng, vợ chồng ông Lưu, ngụ Quận 8 đều có lương hưu. Tuy nhiên, cả hai ông bà đều mắc các bệnh mạn tính tiểu đường, cao huyết áp.

Thời gian gần đây, ông Lưu còn mắc thêm bệnh xương khớp, đi lại không còn linh hoạt như trước. Đồng lương hưu ít ỏi của hai ông bà đều được dồn vào khám bệnh định kỳ, thuốc thang.

Các chi tiêu sinh hoạt khác đều phải tiết kiệm ở mức tối đa. Ở chung với con trai, hàng ngày, ông bà Lưu phụ giúp các con trông cháu, nấu nướng, dọn dẹp.

Nhìn nhận về những khó khăn mà người cao tuổi đang phải đối mặt, Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng mặc dù có tuổi thọ trung bình cao nhưng người cao tuổi tại Thành phố vẫn chưa có được chất lượng sống tốt.

Nhiều người không có lương hưu hoặc lương hưu thấp khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Người cao tuổi khó kiếm được việc làm phù hợp với sức khỏe, một bộ phận còn phải làm công việc nặng nhọc quá sức so với tuổi như giúp việc nhà, làm công việc tay chân…

Các cơ sở chăm sóc người già, nhà dưỡng lão vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, hoàn cảnh của người cao tuổi và gia đình.

Trong khi đó, đa phần người cao tuổi đều mắc một hoặc vài ba bệnh mạn tính đi kèm. Chi phí khám chữa bệnh là một gánh nặng mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt.

Những băn khoăn của Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cũng thể hiện trong Báo cáo Nghiên cứu Thị trường các Sản phẩm Chăm sóc Người Cao tuổi ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hợp quốc.

Theo báo cáo, có tới 90% người cao tuổi ở Việt Nam không có tích lũy, chỉ có 10% người cao tuổi có tiền tiết kiệm. Hầu hết người cao tuổi sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả chi phí chữa bệnh, 10% chi cho con cháu và chỉ có 8,5% chi cho bản thân.

Phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số

Ông Phạm Chánh Trung nhìn nhận già hóa dân số tạo ra những thách thức về kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng

Già hóa dân số không chỉ khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai còn làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu.

Bên cạnh đó, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển. Các chính sách an sinh xã hội mới dừng lại ở mức trợ giúp, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi.

Người cao tuổi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Để ứng phó với quá trình già hóa dân số, ông Phạm Chánh Trung cho rằng cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Ngành Y tế, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Trước mắt, năm 2024, Thành phố sẽ khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ người cao tuổi với kinh phí dự kiến trên 150 tỷ đồng.

Về lâu dài, ngành Y tế sẽ củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất nhận xét Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn già hóa dân số. Số lượng người cao tuổi đang ngày một tăng lên.

Song thực tế, người cao tuổi khỏe mạnh không nhiều, trung bình một người cao tuổi mắc từ 2-3 bệnh lý mạn tính cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên.

Các bệnh lý của người cao tuổi thường có ảnh hưởng đến nhau, bệnh này làm tăng nặng bệnh kia, nếu không được điều trị kịp thời, toàn diện, nguy cơ tàn phế và tử vong ở người cao tuổi tăng.

Do đó, Thành phố cần sớm thành lập Trung tâm Lão khoa nhằm điều trị, chăm sóc cho người cao tuổi một cách toàn diện hơn, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi.

Ở góc độ cơ quan đại diện, bảo vệ người cao tuổi, Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần thay đổi quan niệm và thái độ xã hội về già hóa và người cao tuổi: “Cần nhìn nhận người cao tuổi không phải từ góc độ những người nhận trợ cấp xã hội, là gánh nặng của xã hội mà người cao tuổi là những thành viên có đóng góp tích cực trong xã hội.”

Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người Cao tuổi với tinh thần phát huy cao nhất vai trò của người cao tuổi, phù hợp, thích ứng với già hóa dân số.

Cần xem xét xây dựng một chiến lược tổng thể trung hạn nhằm bảo đảm an toàn thu nhập cho người cao tuổi, bao gồm cả trợ cấp xã hội và lương hưu cho người cao tuổi.

Quan trọng không kém là tạo cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho người cao tuổi như một phương pháp bảo đảm thu nhập và phúc lợi, nhất là với những người cao tuổi không có lương hưu hoặc lương hưu thấp.

“Thành phố nên xây dựng một vài cơ sở chăm sóc người cao tuổi kiểu mẫu và dần nhân rộng trong cộng đồng, khuyến khích tư nhân tham gia bằng các chính sách ưu đãi như phí thuê đất, mặt bằng, thuế… để ngày càng có nhiều cơ sở dưỡng lão cho người cao tuổi hơn trong tương lai,” Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập đề xuất.

Các tin khác