TPHCM: Vì sao nhiều quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân?

(ĐTTCO) - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, tính đến tháng 12-2022, toàn thành phố đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Trong đó, có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

Sáng 2-3, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025. Đến tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.

Quy hoạch trường lớp chưa đồng đều ở các quận, huyện

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, tính đến tháng 12-2022, toàn thành phố đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Trong đó, có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

Toàn cảnh buổi làm việc sáng nay

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu gồm: quận 4 (286 phòng học/10.000 dân), quận 8 (292 phòng học/10.000 dân), quận 12 (235 phòng học/10.000 dân), quận Bình Thạnh (297 phòng học/10.000 dân), quận Gò Vấp (205 phòng học/10.000 dân), quận Tân Bình (288 phòng học/10.000 dân), quận Tân Phú (255 phòng học/10.000 dân), quận Bình Tân (288 phòng học/10.000 dân), huyện Bình Chánh (260 phòng học/10.000 dân) và huyện Hóc Môn (211 phòng học/10.000 dân).

Theo kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2025, 3 quận nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân là quận 4, 12 và Gò Vấp.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân không đồng đều giữa các quận, huyện và cấp học.

Qua rà soát, toàn thành phố hiện có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân.

Một trong số đó là địa phương chưa tập trung đầu tư cho các dự án xây dựng trường học. Nhiều dự án vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND quận 4 nêu khó khăn địa phương gặp phải khi triển khai các dự án xây trường

Đơn cử, tại quận 4, Phó Chủ tịch UBND quận Võ Thanh Dũng thông tin, dự kiến đến năm 2025, địa phương khó hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân do nhiều dự án xây trường phải điều chỉnh quy hoạch khiến thời gian thực hiện kéo dài.

"Chúng tôi có dự án xây trường triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay không thực hiện được do khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, theo quy chuẩn xây dựng mới, một trường học hiện có 15 lớp nếu đập ra xây mới chỉ còn 10 lớp, càng khó khăn hơn đối với việc giải quyết chỗ học", ông Võ Thanh Dũng nêu thực tế.

Tương tự, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp bày tỏ, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, địa phương cần bổ sung thêm 1.300 phòng học.

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết quận này cần bổ sung thêm 1.300 phòng học từ nay đến năm 2025

Trong khi đó, hầu hết dự án hiện nay đều vướng công tác đền bù, giải tỏa do giá bồi thường theo quy định nhà nước hiện nay quá thấp, người dân không đồng thuận bàn giao đất.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước thực tế khó khăn đó, Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị các quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó, cần tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cơ học cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học là một trong những mục tiêu quan trọng được thành phố quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị các địa phương quyết liệt hơn trong các kế hoạch đầu tư xây dựng trường lớp

Đến nay, về tổng thể, toàn thành phố đạt tỷ lệ 294 phòng học/10.000 dân số, tức đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Song trên thực tế, tỷ lệ này không đồng đều giữa các quận, huyện và bậc học.

"Nếu không thật sự nghiêm túc ngồi bàn kỹ vấn đề này, ngoài việc không thực hiện được chỉ tiêu đã đề ra, chúng ta còn chưa làm tròn trách nhiệm của thành phố đối với người dân. Thành phố phải đảm bảo điều kiện tối thiểu về an sinh giáo dục. Các địa phương cần rà soát lại xem thật sự đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu hay chưa", Phó Chủ tịch UBND TPHCM đặt câu hỏi.

Đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các địa phương tập trung rà soát, giải quyết, quyết liệt đeo bám, kịp thời có đề xuất để các sở ngành nói riêng, UBND TPHCM nói chung hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

Các tin khác