Chiều 20-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức buổi giao ban trực tuyến định kỳ về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Chủ trì đầu cầu Thành ủy có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Chủ trì đầu cầu UBND TPHCM có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19, chiều 20-4-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Gấp rút hoàn thiện bộ tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực
Báo cáo tại cuộc giao ban, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 3-4 đến nay, TP vẫn duy trì 54 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố (35 ca nhập cảnh và 19 ca phát hiện từ cộng đồng).
TP đã có 51 ca đã xuất viện, 3 ca đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Bệnh nhân 91 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM không sốt, mạch huyết áp bình thường, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, chức năng phổi có cải thiện, tiếp tục thở máy và hỗ trợ ECMO. Các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định, đang được theo dõi điều trị.
Trong ngày 20-4, TP phát hiện 1 trường hợp nghi ngờ, đã lấy mẫu và đang chờ kết quả. Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 71; số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong ngày là 197. Có 8 chuyến bay quốc tế đến TP khai báo y tế đối với 29 người là thành viên tổ bay; 11 chuyến bay quốc nội, lấy mẫu xét nghiệm 1.118 hành khách; có 1 chuyến tàu lửa với 400 khách được lấy mẫu.
Đến ngày 19-4, TP đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho 3.300 công nhân của các khu công nghiệp, trong đó có 3.200 có kết quả âm tính và còn 100 mẫu đang chờ kết quả; tiến hành lấy mẫu hơn 1.141 công nhân tại huyện Củ Chi. Tổng số lượng xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn TP đã thực hiện là 44.756 mẫu.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, tất cả các xét nghiệm này đều là xét nghiệm chẩn đoán chuẩn, không phải là xét nghiệm nhanh. Hiện Sở Y tế đang phối hợp với các sở: GD-ĐT, Du lịch, Công thương, GTVT... xây dựng các bộ chỉ số, tiêu chí đặc thù cho từng lĩnh vực để chủ động ứng phó và kiểm soát tốt đối với dịch Covid-19 và cả các dịch bệnh khác.
Trước mắt, ngành y tế sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT thống nhất các bảng chỉ số để chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại sau ngày 3-5. Tương tự các lĩnh vực khác cũng đang được Sở Y tế xúc tiến triển khai, đảm bảo trước 30-4, các bộ tiêu chí này sẽ được phát hành. Sở Y tế cũng đề xuất Sở Công thương sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính rủi ro tại các chợ, siêu thị để công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.
Chuẩn bị phương án an toàn để cán bộ, công chức đi làm trở lại
Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với những người từ bên ngoài vào TPHCM bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ cũng như đối với công nhân và các nhóm có nguy cơ trong cộng đồng.
Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND TP sắp xếp khu vực cách ly và phối hợp với Bộ GTVT nắm tình hình để chủ động trong việc thực hiện cách ly đối với những người Việt Nam từ nước ngoài về TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng các bộ tiêu chí trong từng ngành, từng lĩnh vực như trường học an toàn; siêu thị, cửa hàng… đảm bảo an toàn với Covid-19.
Đồng chí yêu cầu UBND TP đôn đốc để ban hành bộ tiêu chí trước ngày 30-4. Từ đó, qua tháng 5-2020, TPHCM sẽ áp dụng rộng rãi các tiêu chí an toàn này để từng trường học, siêu thị, cơ quan, đơn vị tự sắp xếp, thực hiện các quy tắc ứng xử an toàn đó.
Cùng với đó, UBND TPHCM cần theo dõi sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi hết tuần thứ 3 thực hiện giãn cách xã hội, để có phương án tổ chức kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, an toàn với dịch. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn còn nên không thể tổ chức lễ kỷ niệm một cách bình thường như trước.Liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TPHCM rà soát lại phương thức làm việc tại nhà (trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội - PV), từ đó rút kinh nghiệm và bổ sung thêm cách thức để làm việc hiệu quả, đồng thời chuẩn bị phương án tất cả cán bộ, công chức trở lại làm việc đầy đủ và đảm bảo an toàn với dịch.
Tuy nhiên, TPHCM phải tính toán quy mô, cách thức tổ chức lễ kỷ niệm an toàn, thể hiện tấm lòng của đồng bào TPHCM đối với những đóng góp, hy sinh của các chiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ để có được ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một cách sâu sắc. “Đây cũng là sự kiện đánh dấu việc TPHCM cùng cả nước chuyển sang giai đoạn mới của phòng chống dịch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tại cuộc họp trực tuyến Phòng chống dịch Covid-19, chiều 20-4-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu UBND 24 quận-huyện cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao phải báo cáo về kết quả thực hiện đánh giá tại các doanh nghiệp và gửi về Sở Y tế. Về việc đảm bảo an toàn với Covid-19 trong giai đoạn tới, đồng chí Lê Thanh Liêm thông tin, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, như: Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Công thương, Giao thông - Vận tải, Giáo dục - Đào tạo, Xây dựng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm… xây dựng tiêu chí an toàn trong lĩnh vực phụ trách.
Hiện Sở Du lịch, Sở GD-ĐT đã hoàn thiện dự thảo. “Một nhà hàng, khách sạn có nhiều lực lượng từ y tế, công thương, du lịch nên bộ tiêu chí phải được đánh giá toàn diện, xem xét kỹ lưỡng”, đồng chí Lê Thanh Liêm phân tích và yêu cầu Sở Y tế sớm thẩm định để ban hành, làm cơ sở cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, bởi thời gian qua ngành dịch vụ suy giảm lớn.
Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, khối cao đẳng, dạy nghề, các cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên được nghỉ học đến ngày 3-5. Do đó, bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch ở trường học cần sớm ban hành để chuẩn bị phương án học sinh đi học trở lại.
“Điều này nhằm đảm bảo TPHCM cùng cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và khẳng định, việc xây dựng quy trình nếp sống mới ở tất cả các cơ quan, đơn vị nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, với điều kiện đảm bảo an toàn với dịch. |
Từ ngày 20-3 đến ngày 20-4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tiếp nhận tổng cộng số tiền, hàng là hơn 161 tỷ 210 triệu đồng của 6.253 đơn vị, cá nhân ủng hộ. Trong đó, ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 là 141 tỷ 607 triệu đồng, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra là hơn 19 tỷ 603 triệu đồng. Đến nay, đã phân phối tiền, hàng hóa, với tổng giá trị hơn 45 tỷ 261 triệu đồng, trong đó: chi 7 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; Chi hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 là 38 tỷ 261 triệu đồng chuyển đến các cơ sở điều trị, các bệnh viện bệnh lý cấp tính, các khu cách ly, các y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch và những người cách ly. |