Các ứng cử viên ĐBQH khóa XV đơn vị bầu cử số 2 gồm Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Quận ủy quận 1; Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an TPHCM; Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa Khoa kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia TPHCM; Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TPHCM; Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp.
Các ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM đơn vị bầu cử số 4 gồm Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1; Trương Thị Mai Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM; Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi; Đỗ Hữu Cường, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1.
Cử tri kiến nghị quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội nghị, đa số cử tri đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND TPHCM. Cùng với đó, cử tri nêu nhiều ý kiến góp ý, gửi gắm đến các ứng cử viên.
Mở đầu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, gửi gắm các ứng cử viên khi trúng cử tham gia hiến kế, đề xuất các cơ chế, chính sách phát huy được nội lực, nguồn lực của cộng đồng DN, doanh nhân trong việc xây dựng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.
Đồng thời, ông Hòa mong muốn có những hiến kế, giải pháp cụ thể để giúp phát triển giáo dục và y tế của TPHCM. Bên cạnh đó, có chính sách để phát huy nguồn nhân lực và sử dụng tốt nguồn nhân lực vào trong bộ máy quản lý nhà nước.
Còn ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, đề nghị các ứng cử viên sau khi trúng cử quan tâm xây dựng chính sách phát triển DN trong nước; đặc biệt là DN vừa và nhỏ như hỗ trợ vốn, lao động, khoa học kỹ thuật…
Ông Đặng Quốc Hùng cũng mong muốn các ứng cử viên khi đắc cử nên giám sát các cơ quan chức năng, kịp thời chấn chỉnh các quy định thiếu đồng nhất của các cơ quan, tránh trường hợp DN gặp khó khăn khi thực hiện. Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng giúp DN giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh của DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thể, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn xe du lịch công nghệ TPHCM, gửi gắm đến ứng cử viên Nguyễn Thành Phong có những chính sách hỗ trợ DN, nghiệp đoàn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị TPHCM có những giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TPHCM; quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ người nghèo.
Nâng cao sức cạnh tranh của TPHCM
Tại buổi tiếp xúc, trả lời ý kiến cử tri về vấn đề nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển TPHCM, ứng cử viên Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đặc biệt quan tâm nguồn lực phát triển. Vấn đề nguồn lực ở đây gồm con người, tài chính, đất đai... Theo ông, TPHCM có đội ngũ trí thức rất lớn. Riêng đội ngũ trí thức giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học trên địa bàn TPHCM, cũng như đội ngũ cán bộ công chức được đào tạo thông qua các chương trình liên kết với các nước, đã tạo nên điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển TP.
Mặt khác, TPHCM có đội ngũ cần hết sức quan tâm là những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Trước đây, TPHCM đã phối hợp với Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hội nghị chủ đề hướng đến phát huy nguồn lực Việt kiều góp phần cho TPHCM phát triển, và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết.
Về nguồn lực đất đai, ông Nguyễn Thành Phong phân tích, hiện nay công nghiệp và dịch vụ của TPHCM đóng góp hơn 99% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn. Nông nghiệp chỉ chiếm 0,7%, nhưng đất dành cho nông nghiệp hơn 50%. Do vậy, đất đai cho hạ tầng công nghiệp, dịch vụ là một bài toán đặt ra trong thời gian tới.
Tại Đảng hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, trong 3 chương trình đột phá có 1 chương trình phát triển hạ tầng. Hiện nay, TPHCM đang rà soát lại các khu công nghiệp xem chỗ nào chưa lấp đầy để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, hiện nay nguồn lực nhà đất công còn rất lớn và TPHCM đang cho rà soát lại, bán đấu giá góp phần đầu tư phát triển hạ tầng của TP.
Với nguồn lực về vốn, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, quan điểm của TPHCM nguồn lực trong nước là quyết định, và nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Cho nên, song song với việc mở ra môi trường thu hút các nguồn vốn đầu tư DN trong nước, thì TPHCM mở rộng hội nhập, kinh tế đối ngoại để thu hút nguồn lực nước ngoài thông qua các dự án FDI.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư. Về đầu tư trong nước, TPHCM có hơn 400.000 DN, trong đó chỉ có 2,2% DN có quy mô vốn từ 100 tỷ đồng trở lên.
Về phát triển nguồn nhân lực, ứng cử viên Nguyễn Thành Phong thông tin, hiện nay trong định hướng phát triển của TPHCM sẽ xây dựng Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, TPHCM có đề án về giáo dục thông minh; đề án về y tế thông minh; đề án đào tạo nguồn nhân lực ngang tầm quốc tế; hình thành hội đồng tư vấn về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đề cập về chính sách phát triển DN vừa và nhỏ, ứng cử viên Nguyễn Thành Phong cho biết, DN vừa và nhỏ của TPHCM chỉ chiếm mười mấy phần trăm; đa phần là DN siêu nhỏ. Cho nên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với TPHCM là phải xây dựng những tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh.
Hiện nay, TPHCM đang giao Sở Công Thương xây dựng chính sách tạo điều kiện để thúc đẩy xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn. Trên cơ sở tập đoàn kinh tế lớn theo ngành nghề, tạo ra một sự liên kết với DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của TPHCM.
Điều đó có nghĩa là phải đề cập chính sách đối với DN vừa và nhỏ như thế nào? Mà cụ thể trong chương trình chuyển đổi số có đề án chuyển đổi số đối với DN vừa và nhỏ.
“Trong điều kiện hiện nay, để DN phát triển bền vững và khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường, không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đề cập về trách nhiệm của chính quyền trong việc hỗ trợ DN, ứng cử viên Nguyễn Thành Phong cam kết TPHCM có những chính sách hỗ trợ DN phát triển.
Cụ thể, hiện nay TPHCM đang hình thành các hội đồng phát triển ngành gồm ngành cơ khí tự động hóa; chế biến lương thực, thực phẩm; công nghệ thông tin; du lịch... Hàng quý, hội đồng ngành có cuộc gặp gỡ trao đổi giữa với DN, để lắng nghe ý kiến của các DN về những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý, giải quyết tạo điều kiện cho DN phát triển.
“Chúng tôi nhận thức rằng, để TPHCM phát triển thì sự phát triển của DN sẽ đóng vai trò quan trọng. Chính quyền TPHCM luôn luôn đồng hành cùng DN”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Về chính sách hỗ trợ cho DN trước làn sóng dịch Covid-19, ứng cử viên Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất mạnh mẽ, và “đốn ngã” nhiều DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, nhất là DN trong ngành du lịch.
Trước đây, TPHCM có gói hỗ trợ 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Bây giờ, trước tình hình hiện nay, TPHCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thường trực UBND TPHCM, để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy gói hỗ trợ thứ 2 cho các DN do tác động của dịch Covid-19.
TPHCM sẽ triển khai gói hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh trong điều kiện chịu tác động của dịch Covid-19 sắp tới.