Mới đây, TPHCM phát động chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 với tên gọi “Shopping Season 2021”. Đã có khoảng 600 DN tham gia với hơn 1.600 chương trình khuyến mại hấp dẫn. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nói: “DN hằng năm đều thực hiện khuyến mại nhưng không được quá 50%. Đây chính là cơ hội khi TPHCM cho phép DN được thực hiện chương trình giảm giá 100%, tạo điều kiện kích cầu mua sắm trong dân, tạo sức lan tỏa chung cho cả thành phố”.
Trưa 17/11, tại những trung tâm thương mại lớn như Vincom, Vạn Hạnh Mall, Takashimaya…, hàng loạt thương hiệu treo băng-rôn giảm giá từ 50-80% cùng nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Yến Phương, quản lý cửa hàng Giordano ở Vincom (quận 1), cho biết, thương hiệu sẽ giảm giá đến 70% trong mùa cuối năm. Bà Nguyễn Thị Đan Tâm, quản lý chuỗi bán lẻ Soja tại Takashimaya, nói: “Chúng tôi mong muốn những chương trình giảm giá hấp dẫn này sẽ giúp cho các hoạt động mua sắm cuối năm sôi động trở lại, kích thích nền kinh tế tăng trưởng hậu giãn cách”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nói rằng, ngoài việc khuyến mại, kích cầu mua sắm đối với mặt hàng tiêu dùng, Chương trình khuyến mại tập trung năm 2021 còn có sự góp mặt, hưởng ứng tích cực của lĩnh vực y tế, du lịch, mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm đa dạng dịch vụ sau thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, chưa nhiều khách hàng đến tham quan, mua sắm dù trong thời gian giảm giá “sập sàn”. “Tôi đã thử lướt qua một số quầy hàng nhưng nhiều sản phẩm khuyến mại là mẫu cũ, hàng lỗi… Trong khi đó, nhiều sản phẩm hàng hiệu dù đã giảm giá nhưng giá vẫn còn rất cao, như đôi giày một thương hiệu của Ý sau khi giảm “kịch trần” 70%, giá vẫn còn gần 15 triệu đồng/đôi”, chị Như Ý (ngụ quận Phú Nhuận) bày tỏ.
Trong khi đó, các siêu thị tận dụng cơ hội này để bán hàng giá gốc cho người tiêu dùng. Đại diện hệ thống bán lẻ Satra cho biết, đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại cho toàn hệ thống cùng nhiều chương trình áp dụng riêng tại từng đơn vị. Siêu thị MM Mega Market Việt Nam mang đến chương trình “Sắc Thái trên đất Việt” giảm giá các loại gia vị chỉ còn 29.000 đồng. Hệ thống Co.op Mart cũng khuyến mại đến 53% với hàng ngàn sản phẩm.
Cần thực chất
Nhiều chương trình khuyến mại đã được các sàn thương mại điện tử triển khai quy mô lớn, gần đây nhất là chương trình săn hàng ngày Độc thân (11/11). Tuy nhiên, nhiều khách hàng cảm thấy bức xúc khi mất công canh săn giảm giá giờ vàng nhưng cuối cùng vẫn trắng tay. “Tôi canh đúng 0 giờ ngày 11/11 để săn hàng có giá tốt nhất nhưng mạng nghẽn liên tục, đến lúc thanh toán online lại không được. Có sản phẩm vừa được tung ra, chỉ ít phút sau đã báo cháy hàng. Khi khách đặt được hàng, đến lúc thanh toán thì sàn thương mại điện tử đã quá “giờ vàng”, hết giá ưu đãi… Nói chung, còn nhiều vấn đề khách hàng chưa thật sự hài lòng khi săn hàng khuyến mại trên mạng”, chị Ngô Thanh Tùng (28 tuổi), một nhân viên văn phòng, nói.
Nhiều khách hàng cũng phản ánh giá một số sản phẩm giảm ảo. Trên một sàn thương mại điện tử, nồi chiên không dầu Philips giá đã giảm 27% ngày 11/11 là 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ ngày 1/11 đến nay, giá sản phẩm này luôn dao động quanh mức 2,5 triệu đồng.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam dẫn một khảo sát gần đây cho thấy, hơn 85% người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm có khuyến mại để mua. Nắm được tâm lý này, hầu hết các đơn vị kinh doanh, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử, không chỉ khuyến mại dịp lễ lớn mà cả trong các ngày song trùng như 10/10, 11/11, 12/12…, gần như tháng nào cũng có khuyến mại. Nhờ khuyến mại, doanh số của nhiều đơn vị tăng cao, thậm chí tăng trưởng 40-50% so với cùng kỳ, dù đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phần lớn người tiêu dùng thích giảm giá trực tiếp trên giá bán hơn là các hình thức tặng quà, tích điểm.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hùng cho rằng, điều quan trọng là các đơn vị kinh doanh phải bán hàng đúng chất lượng, giảm giá thực, mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng mới giữ được khách hàng lâu dài. Đặc biệt, việc gắn bó phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm sản phẩm, chứ không phải là trải nghiệm khi mua hàng. Nếu có trải nghiệm tốt, họ sẽ quay lại mua sản phẩm tiếp.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, người tiêu dùng bây giờ có nhiều thông tin để so sánh và nắm biết giá sản phẩm đang khuyến mại giảm thật hay ảo, do đó, DN cần công khai, minh bạch giá giảm, không “nâng giá rồi hạ giá” hòng đánh lừa khách hàng. Bà Thu khuyến cáo, khách hàng cần sáng suốt khi săn hàng giảm giá, chọn những thương hiệu uy tín để mua, chứ không vì chương trình khuyến mại giảm giá đậm mà “sập bẫy lừa”…