TPHCM: Xử lý đất công tiếp giáp nhà dân cần 'hợp tình, hợp lý'

(ĐTTCO) - Mới đây, 5 hộ dân có nhà, đất nằm trên đường Trường Sa (phường 13, quận Phú Nhuận) đã gởi đơn “kêu cứu” đến báo ĐTTC, về việc một phần đất công có diện tích khá nhỏ tiếp giáp với đất Nhà nước bị thu hồi.

Nhiều căn nhà "mặt tiền" đường Trường Sa tiếp giáp với 1 phần diện tích đất công
Nhiều căn nhà "mặt tiền" đường Trường Sa tiếp giáp với 1 phần diện tích đất công

Theo đơn của 5 hộ dân, phần đất này những hộ dân này đã sử dụng gần 30 năm nay sau khi đường Trường Sa (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, mới đây chính quyền địa phương có thông báo “cưỡng chế, thu hồi”.

Bà Th., một trong những hộ dân có nhà tiếp giáp với “đất công”, cho biết, hơn 30 năm trước, căn nhà của bà đang ở quay mặt ra đường Đặng Văn Ngữ, nhưng sau khi dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thiện thì căn nhà có mặt tiền đường Trường Sa (mặt tiền kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè).

Căn nhà của bà Th. có phần đất nhỏ tiếp giáp phần đất do nhà nước quản lý. Phần đất này được các hộ dân cơi nới, che chắn khung sắt, bạt làm mái che; có hộ còn xây tường và cửa sắt… để quản lý, sử dụng phần diện tích phần đất này. Theo bà Th., việc sử dụng phần diện tích đất của các hộ dân này từ đó đến nay không xảy ra tranh chấp, góp phần “chỉnh trang” mặt tiền đường Trường Sa khang trang, sạch đẹp.

Tuy nhiên, ngày 5-9-2023, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ban hành Quyết định số 37/2023/QĐ-UBND về việc rà, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ do Nhà nước trực tiếp quản lý, lấy ý kiến của người sử dụng đất liền kề và công khai việc giao đất cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để giao đất, cho thuê đất đối với người dân.

Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền của quận Phú Nhuận đã vận động các hộ dân nói trên tháo dỡ phần “công trình” đã cơi nới trên phần đất công trước khi UBND quận Phú Nhuận xem xét giao, cho thuê đất.

Tại cuộc họp giữa đại diện Phòng TNMT quận Phú Nhuận và UBND phường 13, các hộ dân đã kiến nghị chính quyền giải quyết vấn đề một cách hợp tình hợp lý. “Tất cả các hộ dân đều thượng tôn pháp luật, không gây khó khăn gì cho chính quyền. Hầu hết chỉ là công trình tạm để giữ gìn an toàn cho gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường", bà Th., nêu trong đơn.

Do đó, bà con đề nghị được giữ nguyên hiện trạng vì bà con đã sử dụng ổn định gần 30 năm nay, không gây tranh chấp, mất an ninh trật tự. "Bà con sẵn sàng trả tiền thuê đất khi có quyết định. Mong muốn lớn nhất của bà con là được giao đất nhà nước thu tiền sử dụng đất để vừa đảm bảo quy định của pháp luật vừa đảm bảo cuộc sống của người dân không bị xáo trộn”, bà Th., kiến nghị.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM tình trạng đất có diện tích nhỏ, thậm chí chỉ vài m2 tiếp giáp với nhà dân là khá phổ biến. Trong lúc chờ nhà nước có giải pháp xử lý thì người dân đã tạm quản lý và sử dụng. Việc rà soát các phần đất này để cho thuê hoặc giao đất là hết sức cần thiết vì để phần công sản của nhà nước không bị lãng phí, chiếm dụng và việc sử dụng của người dân cũng chính danh nếu họ được thuê, giao đất.

Tuy nhiên, việc giao đất, cho thuê đất cần giải quyết hợp tình hợp lý, cần ưu tiên cho những hộ dân có nhà đất tiếp giáp với phần đất công và họ đã có công “bảo vệ” hàng chục năm nay. Trong lúc chờ quyết định của cơ quan chức năng cũng không nhất thiết phải cưỡng chế, tháo dỡ phần công trình tạm mà họ đã sử dụng từ nhiều năm nay khi họ cam kết chấp hành khi có quyết định chính thức.

Các tin khác