Theo đó, để bảo đảm cho người dân vui chơi, đi lại được an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, PC08 đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Phòng đồng loạt ra quân mở cao điểm tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông – trật tự xã hội trên địa bàn đơn vị đảm trách.
Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Các đơn vị duy trì tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai 24/24 kết hợp tuần tra kiểm soát hóa trang tại các tuyến đường và khu vực trọng điểm có các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh rượu, bia, các “điểm đen” về tai nạn giao thông nhất là các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn; Chủ động có kế hoạch phối hợp các Đội Cảnh sát giao thông Công an quận, huyện, Cảnh sát Cơ động, Thanh niên xung phong, Dân quân tại địa phương… tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn đảm trách.
Sau 23 giờ tiến hành kiểm tra hành chính tại các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông kết hợp xử lý vi phạm về nồng độ cồn, phòng chống tội phạm và phòng ngừa, ngăn chặn tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng.
Tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ Công tác 363 để quán xuyến địa bàn tăng cuờng sự hiện diện của lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến, khu vực địa bàn trọng điểm, tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có các lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Kết quả, trong thời gian từ 15-12-2019 đến 30-12-2019, PC08 đã lập biên bản 491 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn (trong đó xe ô tô: 16 trường hợp; xe mô tô: 475 trường hợp); các Tổ công tác 363 đã tổng kiểm soát 717 trường hợp, lập biên bản 327 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (trong đó 47 trường hợp vi phạm nồng độ cồn), phạt tại chỗ 70 trường hợp với số tiền nộp vào Kho bạc Nhà nước là 6.240.000 đồng, tạm giữ 104 môtô.
Riêng trong 2 ngày, nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 1-1-2020 đến 2-1-2020), PC08 TPHCM đã lập biên bản gần 70 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Trong quá trình kiểm tra xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông giải thích rõ ràng, cụ thể cho người vi phạm về những điều chỉnh trong các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cũng như tác hại và hậu quả nguy hiểm của việc sử dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện tham gia giao thông để người dân rút kinh nghiệm và tránh tái phạm về sau.
PC08 khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông vào dịp Tết Canh Tý 2020 phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt khi đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không điều khiển phương tiện nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời, sau khi tham gia các bữa tiệc hãy sử dụng các phương tiện công cộng hoặc nhờ người khác (không uống bia, rượu) chở về.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2020 với sự điều chỉnh tăng về mức phạt tiền và thời hạn tạm giữ Giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này, cụ thể: Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự như ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại tương tự xe mô tô và các loại tương tự như xe gắn máy vi phạm quy định nồng độ cồn: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. |