TPHCM yêu cầu giãn cách mua sắm ở trung tâm thương mại, chợ, điều chỉnh giờ làm của công nhân

(ĐTTCO) - Việc tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối… với hướng mua sắm theo từng nhóm và có khoảng cách hạn chế tập trung đông người.
Thành phố yêu cầu giãn cách mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 tại các địa điểm nguy cơ cao này. Ảnh: TN
Thành phố yêu cầu giãn cách mua sắm tại các chợ, trung tâm thương mại, đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 tại các địa điểm nguy cơ cao này. Ảnh: TN
Mỗi cơ quan, đơn vị có một tổ Covid-19 cộng đồng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM ngày 24-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm, nhiều nguồn lây cũng như nhiều biến chủng và chưa có dấu hiệu giảm.

Tại TPHCM tuần qua ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca mới sau hơn 20 ngày không xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kết quả giải trình gene của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TPHCM cho thấy, chúng ta cùng một lúc phải ứng phó với 2 biến chủng SARS-CoV-2, gồm biến chủng lần đầu tiên tại Anh và Ấn Độ.

Trước tình hình dịch bệnh mới hiện nay và để giữ vững được thành quả phòng chống dịch Covid-19, các sở-ban-ngành, quận huyện và TP Thủ Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM, về tạm dừng hoạt động một số hoạt động dịch vụ để phòng chống dịch Covid-19. Quán triệt đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cơ quan đơn vị mình khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở nên ở nhà, không đến cơ quan và làm theo hướng dẫn của ngành y tế. Cần thiết thì có thể làm việc tại nhà, qua hình thức trực tuyến.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, từ ngày 25-5, khách đến cơ quan, công sở liên hệ công tác làm việc phải khai báo y tế. Mỗi cơ quan đơn vị cố gắng có một tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm soát hành khách ra vào cơ quan.

Bên cạnh đó, phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong những công việc liên quan đến phòng chống dịch phải giải quyết nhanh.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối… theo hướng mua từng nhóm và có khoảng cách hạn chế đến mức độ cao nhất tập trung đông người. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong phòng chống dịch ở các điểm nguy cơ mà ngành y tế xác định, như: chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, nhà ga, bến xe, trước cổng bệnh viện…

TPHCM yêu cầu giãn cách mua sắm ở trung tâm thương mại, chợ, điều chỉnh giờ làm của công nhân ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG
Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ phải sẵn sàng cho trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19, và nên bắt đầu đi vào hoạt động, phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó nhấn mạnh người dân phải có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thành phố khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường, vì khả năng kháng thể của người lớn tuổi yếu.

Bên cạnh đó, Sở Y tế  rà soát lại quy trình phòng chống dịch tại các cơ sở y tế. Chú ý thực hiện giãn cách trong bệnh viện, hạn chế người thăm nuôi.

“Các bệnh viện sẵn sàng có phương án khu cách ly tạm thời. Yêu cầu tất cả nhân viên y tế, người nhà đến thăm và chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân phải cài đặt ứng dụng Bluezone nếu có thiết bị di động. Người không có thiết bị di động thì áp dụng biện pháp khác.

Các bệnh viện có điều kiện thì trang bị bộ nhận diện khuôn mặt. Mở rộng ứng dụng thông tin trong đăng ký khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe khám bệnh từ xa”, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.

Với các khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo thành phố yêu cầu Ban Quản lý phối hợp với chính quyền địa phương và Sở Y tế, nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất, theo hướng giãn cách giờ làm việc vào buổi sáng và tan ca cuối chiều, nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông trong cùng một thời điểm. Đồng thời  tổ chức diễn tập phương án ứng phó dịch bệnh xảy ra tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ ngày 27-4 đến nay, cả nước ghi nhận 2.254 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, thì hơn 66,2% là lây nhiễm từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, việc làm của người lao động.

"Các Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất, các địa phương, Liên đoàn Lao động TPHCM nên có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, để triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. Phối hợp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các phường có địa bàn gần các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao kiểm tra giám sát, liên hệ chủ nhà trọ nhắc nhở người thuê trọ chấp hành khuyến cáo 5K”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Ông Phong cũng chỉ đạo Công an TPHCM phối hợp công an quận - huyện, công an TP Thủ Đức rà soát số lao động nước ngoài được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh vào làm việc tại các doanh nghiệp; kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phải có dự báo các kịch bản phát triển kinh tế theo từng ngành, từng lĩnh vực trong 6 tháng tiếp theo. Có đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, để có giải pháp, đồng thời lưu ý đến gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.

TPHCM đang cách ly 8 điểm liên quan đến các ổ dịch
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết liên quan đến bệnh nhân 4.514 là nam thanh niên cư ngụ tại TP Thủ Đức, đã lấy mẫu xét nghiệm 80 người tiếp xúc gần, 1.241 người tiếp xúc khác. Ngành y tế đồng thời mở rộng xét nghiệm 4.636 người, gồm các khu vực chung cư Sun View (3.281 người), Công ty Grove quận 3 và các công ty xung quanh (305 người), Công ty Deloitte quận 1 (409 người), Công ty DataLogic quận 9 (641 người).
Tổng cộng đến nay, liên quan ca bệnh này, ngành y tế đã lấy mẫu 5.957 người. Qua đó phát hiện thêm trường hợp bệnh nhân 4.583, còn lại tất cả kết quả đều âm tính. Đưa 80 người cách ly tập trung, 1.241 người cách ly tại nhà.

Liên quan đến bệnh nhân 4.583 (ngụ quận 7), đã lấy mẫu xét nghiệm 257 người (116 người tiếp xúc gần, 75 người tiếp xúc khác). Mở rộng xét nghiệm 66 người tại tòa nhà bệnh nhân ở.

Hiện 239 người âm tính, 18 người chờ kết quả là người đi cùng chuyến bay từ Hải Phòng vào TPHCM mới tìm kiếm được.

116 người đã được đưa đi cách ly tập trung, 141 người cách ly tại nhà.

Liên quan đến 3 bệnh nhân 4.780, 4.781 và 4.782 (ngụ quận 3), ngành y tế đã lấy mẫu 137 người tiếp xúc gần, 441 người tiếp xúc khác.

Bên cạnh đó, mở rộng xét nghiệm 1.380 người gồm các khu vực hẻm nơi bệnh nhân cư ngụ, buôn bán ở quận 3 (715 người), khu vực quanh nhà con của bệnh nhân ở Bình Tân (304 người) và Phòng khám đa khoa Trung tâm y khoa Medic ở quận 10 (363 người).

Tổng cộng lấy mẫu 1.958 người liên quan tới 3 ca bệnh này. Hiện 1.868 người âm tính, còn 90 người chờ kết quả, do mới được khai thác và tiếp cận.

Có 141 người được đưa đi cách ly tập trung, cách ly tại nhà 1.817 người.

TPHCM cũng vừa ghi nhận trường hợp bé 18 tháng tuổi là F1, cháu ngoại bệnh nhân 4.780, có kết quả dương tính.

Đối với 1 ca nghi nhiễm ở quận Gò Vấp, bệnh nhân có các triệu chứng khá điển hình của Covid-19 như: sốt, khó thở, đau họng, mất vị giác, đồng thời chụp Xquang có hình ảnh viêm phổi và xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 lần đầu có kết quả dương tính yếu. Xét nghiệm kiểm tra lần 2, lần 3 đã cho kết quả âm tính. 

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay tổng cộng trong quá trình xử lý các ổ dịch, ngành y tế đã điều tra và tiếp cận được 8.374 người để xét nghiệm kiểm tra và cách ly y tế theo quy định (365 người tiếp xúc gần). TPHCM còn 8 địa điểm đang được phong tỏa để phòng chống dịch.

Các tin khác