Trà Tâm Lan bị oan?

Thời gian qua, dư luận xôn xao về một số loại trà do Công ty TNHH Trà Tâm Lan (Tây Ninh) nhập khẩu và tự sản xuất được cho là “thần dược”, có thể trị được nhiều bệnh nan y như tiểu đường, ung thư, mù mắt, HIV/AIDS, bại liệt…

Thời gian qua, dư luận xôn xao về một số loại trà do Công ty TNHH Trà Tâm Lan (Tây Ninh) nhập khẩu và tự sản xuất được cho là “thần dược”, có thể trị được nhiều bệnh nan y như tiểu đường, ung thư, mù mắt, HIV/AIDS, bại liệt…

Nghi án hàng giả

Thành lập từ năm 2009, Tâm Lan lúc này chủ yếu làm đại lý phân phối sản phẩm tinh dầu thông đỏ nhãn hiệu Pine Power Gold do Công ty TNHH Vạn An Sinh (ViVaLife, TPHCM) nhập khẩu từ Tập đoàn Hankook Anderson (Hàn Quốc). Đây là sản phẩm do Sangil Pharm Co., LTD sản xuất.

Không bao lâu, Tâm Lan ngừng phân phối Pine Power Gold, chấm dứt hợp tác với ViVaLife và chuyển sang bán sản phẩm Pine Power Oil Extract cũng do Tập đoàn Sangil Pharm Co., LTD sản xuất. Việc nhập khẩu không hợp tác với Công ty Hankook Anderson mà là Công ty Bio Hankook Anderson.

Bị cạnh tranh, ViVaLife đã “tố” Tâm Lan bán hàng nhái vì sản phẩm Pine Power Oil Extract có hình thức và mẫu mã giống sản phẩm Pine Power Gold của Công ty ViVaLife đến 98%! Chưa hết, có thông tin gây rúng động dư luận là Công ty Bio Hankook Anderson bị cơ quan pháp luật Hàn Quốc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm lưu hành sản phẩm Pine Oil Extract vì cho là hàng giả.

Sở cảnh sát Daejeon Hàn Quốc tiến hành điều tra đối với ông Min Gee Sik (Giám đốc Bio Hankook Anderson) và lập biên bản thu giữ 28.000 vỏ hộp được in tên Bio Hankook Anderson cùng hơn 4.100 sản phẩm hoàn thành đã đóng gói vào hộp. Nhiều khách hàng sử dụng Pine Oil Extract của Tâm Lan hết sức hoang mang và phẫn nộ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Tân, con trai và là trợ lý của bà Võ Thị Lấn (Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan), cho biết thực ra Công ty Hankook Anderson chỉ khởi kiện Công ty Bio Hankook Anderson vi phạm hành chính, trùng tên thương hiệu chứ không có chuyện sản xuất, phân phối hàng giả, hàng nhái.

“Tâm Lan có đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán, hình ảnh ký hợp đồng với Sangil Pharm. Sau khi chúng tôi phản ứng, Sangil Pharm đã có lời xin lỗi và trình bày vì Hankook Anderson lấy hàng xuất cho ViVaLife nhưng khoản nợ chưa được thanh toán.

Ở Việt Nam, ViVaLife lại đang bị cạnh tranh bởi Tâm Lan nên họ phải làm động tác này (khởi kiện, xác nhận không cung cấp hàng cho Bio Hankook Anderson, bêu xấu Tâm Lan bán hàng giả, hàng nhái - PV) để nhà sản xuất được thanh toán tiền. Bio Hankook Anderson chỉ vi phạm trùng tên, bị phạt 5.000 won và hiện đã đổi tên thành Công ty TamLan Korea (giám đốc là Min Gee Sik, con rể bà Võ Thị Lấn)” - ông Tân nói.

Nhiều nghi vấn về “thần dược”

Ngoài sản phẩm thực phẩm chức năng là tinh dầu thông đỏ, sản phẩm chủ lực của Tâm Lan là trà túi lọc Tâm Lan. Loại trà này được bào chế từ bốn cây thảo dược hoàn ngọc (40%), lược vàng (20%), cúc hoa (20%), kim ngân hoa (20%) và có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, thanh nhiệt, giải độc và giải khát.

Tuy nhiên, trên website có tên miền trathaoduoctamlan.com, loại trà này được quảng cáo: "Trà Tâm Lan chiết xuất từ trà tinh chất. Tốt cho sức khỏe của bạn, có khả năng trị bệnh ung thư...", và thổi phồng như “Có người nằm liệt giường, đứt 1 dây mạch máu não, méo miệng không nói được, chỉ sau 2 ngày sử dụng trà và dầu thông đỏ Tâm Lan ngón tay có thể nhúc nhích, uống liên tục bốn tháng thì đi phụ hồ”!

Từ một loại thực phẩm chức năng có tác dụng tăng sức đề kháng, hỗ trợ trị bệnh, không phải là thuốc… nhưng cách quảng cáo lập lờ như trên rõ ràng khiến nhiều người bị ngộ nhận đó là thuốc, là thần dược.

Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Trà Tâm Lan. Ảnh: T. VY

Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Trà Tâm Lan. Ảnh: T. VY

Các nhà chuyên môn còn đặt nghi vấn: Cây hoàn ngọc thông thường phải trồng 7 năm mới có thể khai thác sử dụng làm nguyên liệu để bào chế. Vậy chỉ hơn 3 năm xuất hiện, Tâm Lan lấy nguyên liệu ở đâu để sản xuất bán đại trà trên thị trường?

Qua tìm hiểu của ĐTTC, dù Tâm Lan sản xuất với số lượng lớn nhưng chưa chủ động trong khâu nguyên liệu. Cây hoàn ngọc, lược vàng (2 thành phần chính) được trồng với số lượng ít ỏi, khoảng 6-7 tháng tuổi đã đem chế biến. Khi chúng tôi tham quan một vườn cây hoàn ngọc rộng chừng 3ha gần trụ sở của Tâm Lan (tổ 6, ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), ấn tượng đầu tiên là vườn cây chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích bị úng nước, lá vàng úa, xơ xác.

Cạnh đó còn có chuồng bò và những sân phơi xây dang dở. Rõ ràng vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu của Tâm Lan đang gặp khó khăn nhất định về mặt kỹ thuật, quy trình sản xuất, chăm bón; trong số 30ha vùng nguyên liệu nằm rải rác phần lớn thổ nhưỡng không thích hợp trồng cây hoàn ngọc do thường xuyên ngập nước, năng suất thấp.

Tuy nhiên, để chứng minh sản phẩm trà túi lọc Tâm Lan chắc chắn có thành phần cây thảo dược hoàn ngọc, đại diện công ty đã trưng ra một hợp đồng mua bán dược liệu với CTCP Đông dược Hải Thượng (Bắc Giang). Theo đó, từ tháng 1-2012 đến tháng 12-2012, đối tác sẽ cung cấp cho Tâm Lan 48 tấn hoàn ngọc sấy khô với giá 28.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thế Tân thừa nhận: “Hiện công ty đã trồng được cây hoàn ngọc và cây lược vàng nhưng mới đáp ứng khoảng 10-20% nguyên liệu đầu vào. 80% còn lại, chúng tôi phải thu mua từ nông dân và các công ty đủ chức năng kinh doanh loại dược thảo này. Nhưng một DN sản xuất đường thì đâu nhất thiết phải trồng mía hay sản xuất nệm cao su thì phải trông cây cao su?”.

Các tin khác