Trách nhiệm ông chủ với giá cổ phiếu

(ĐTTCO) - Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của năm đang diễn ra và câu hỏi liên quan đến giá cổ phiếu (CP) đang được xem “hot” nhất. Bởi lẽ, hơn 1 tháng qua thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhiều phiên điều chỉnh mạnh khiến CP có thể mất giá 30-40%.
Trách nhiệm ông chủ với giá cổ phiếu
 Nhìn lại lịch sử, năm 2008 cũng tương tự khi thị trường điều chỉnh mạnh và nhiều CP giảm rất sâu.  
Có tín hiệu tích cực là những câu hỏi liên quan đến giá CP, chủ yếu là… giảm giá, gửi đến lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đều được giải đáp khá tích cực và hiệu quả.
Chẳng hạn, lãnh đạo một DN xây dựng đã nói với cổ đông rằng lấy làm tiếc vì những trải nghiệm không tốt với giá CP. Một lãnh đạo DN bất động sản thậm chí chia sẻ việc tìm cách để không gây thiệt hại cho cổ đông khi giá CP giảm. 
Đã có sự tôn trọng thực sự của DN với cổ đông, thay vì chỉ trả lời thẳng tuột kiểu “do cung cầu thị trường quyết định”, và đó là điều tích cực. Thậm chí, đây có thể trở thành thông lệ, bài học để nhắc nhở những DN nếu có ý định hoặc thái độ thiếu tôn trọng cổ đông phải dè chừng, và hạn chế những sự vụ đáng tiếc trong tương lai.
Điều này cũng giống như việc những DN lớn như Bảo Việt, Dược Hậu Giang, Chứng khoán HSC… đã tiên phong trong việc thực hiện các báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế từ khoảng 10 năm trước để tạo ra hệ sinh thái thông tin minh bạch. 
Thực ra việc DN trọng thị trả lời câu hỏi của cổ đông về giá CP, không đồng nghĩa với trách nhiệm của lãnh đạo DN gắn chặt với biến động giá CP (ở đây không bàn đến những hành vi trái pháp luật như mua bán chui CP, làm giá CP của lãnh đạo DN).
Trong trường hợp DN làm ăn yếu kém, thua lỗ, giá CP giảm, tất nhiên trách nhiệm thuộc về lãnh đạo DN. Nhưng trong trường hợp nền tảng cơ bản của DN vẫn được giữ vững, hoạt động kinh doanh bình thường, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho lãnh đạo DN nếu CP giảm.
Nhưng không thể bỏ qua một trường hợp khác là việc DN dù thấy được những rủi ro, biến động của CP, đáng ra phải có trách nhiệm làm rõ, làm cho minh bạch thông tin, lại chọn im lặng. Chẳng hạn, CP đang giao dịch bình thường, đi ngang, bỗng dưng thanh khoản tăng vọt, giá biến động mạnh và tạo sóng, trong khi DN làm ăn bình thường, không có gì bứt phá trong nền tảng cơ bản. Câu hỏi đặt ra trong tình huống này là lãnh đạo DN sẽ chọn phương án nào:
Thứ nhất, công bố thông tin về hoạt động DN vẫn đang bình thường trên media, tổ chức thêm các hoạt động IR, PR để NĐT nắm rõ thông tin về DN và có hành động phù hợp nhất. Công bố luôn cả chiến lược kinh doanh trung, dài hạn của DN để các chuyên gia phân tích (analyst) định giá CP ở mức giá nào là phù hợp. Giải pháp này góp phần giúp CP hạ nhiệt và ổn định hơn, nhưng mặt trái nếu có ở đây, có thể có người trách cứ rằng mất sóng cổ đông mất quyền lợi.
Thứ hai, im lặng, vẫn để giá CP biến động theo thị trường, vẫn đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin thông thường, những biến động bất thường của giá CP nếu được hỏi thì nói do thị trường. Trong trường hợp xử lý theo kiểu thụ động này, nếu xét về lý có thể DN không sai. Nhưng rủi ro tiềm ẩn có thể lớn vì có những cổ đông có lãi nhờ CP, nhưng cũng có những người sẽ thiệt hại do giao dịch thiếu chính xác. Về lâu dài, nếu DN không lên tiếng, có thể CP sẽ tạo ra ấn tượng không tốt với những người thua lỗ. 
Hai phương án nêu trên hiện khá phổ biến trên TTCK, và DN tùy theo suy nghĩ, chiến lược của mình chọn thứ nhất hoặc thứ hai, hoặc linh hoạt. Nhưng nói như một cựu CEO ngân hàng “nếu lãnh đạo DN chỉ quan tâm đến giá CP chẳng còn thời gian để làm gì, nhưng nếu chỉ quan tâm tới hoạt động của DN sẽ chưa làm tròn trách nhiệm với cổ đông”. 

Các tin khác