Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế sẽ tạo áp lực không nhỏ lên cân đối ngân sách Nhà nước trong năm 2020.
Chính vì vậy, việc huy động vốn từ các nguồn khác nhau để đảm bảo cân đối ngân sách là nhiệm vụ cấp thiết và huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ được coi là một trong những kênh quan trọng nhất. Đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên và Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), ông Đỗ Ngọc Quỳnh.
- Ông có nhận định gì về phát hành trái phiếu Chính phủ trong thời gian qua?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2020, phát hành trái phiếu Chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là 33.513 tỷ đồng, đạt 13% kể hoạch đấu thầu của năm 2020.
Kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ năm 2020 là 260.000 tỷ đồng. Riêng trong quý 1/2020, kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 55,5% kế hoạch của quý trong khi quý 1/2019, kết quả đấu thầu đạt 95% kế hoạch quý.
Xét trên một góc độ khác, lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (lãi suất đi vay của Chính phủ) đã có một giai đoạn giảm liên tục kể từ đầu năm 2020 và tạo nên những kỷ lục mới: kỳ hạn 5 năm còn 1,8%/năm, kỳ hạn 10 năm 2,18%/năm và kỳ hạn 30 năm còn 3%/năm - mức giảm rất sâu so với năm 2019, giúp cho Chính phủ giảm chi phí huy động vốn.
Một điểm rất tích cực nữa là tỷ trọng phát hành các kỳ hạn dài từ 20 - 30 năm chiếm khoảng 30% khối lượng phát hành, tăng mạnh so với tỷ trọng gần 4% cùng kì năm 2019, giúp kéo dài kỳ hạn danh mục thị trường trái phiếu Chính phủ, ổn định được nguồn vốn vay.
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của vốn trái phiếu Chính phủ với nền kinh tế trong giai đoạn này?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những hệ quả tiêu cực đối với nền kinh tế sẽ tạo áp lực không nhỏ lên cân đối ngân sách của Chính phủ trong năm 2020.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ sụt giảm so với dự toán năm 2020 ở tất cả cấu phần thu nội địa, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu do sự lao dốc của giá dầu, sự đình trệ của các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, hoạt động kinh doanh trong nước và các biện pháp ưu đãi giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi ngân sách nhà nước cũng chịu áp lực gia tăng từ các khoản chi cho y tế, phòng chống dịch bệnh và các khoản chi an sinh xã hội.
Để góp phần kích cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chi đầu tư phát triển sẽ được đẩy mạnh với tổng vốn dự kiến lên đến 700.000 tỷ đồng. Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính ước tính sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6% GDP so với dự toán lên mức 5-5,1% GDP.
Mức gia tăng thâm hụt này cũng đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính sẽ phải xem xét huy động vốn từ các nguồn khác nhau để đảm bảo cân đối ngân sách; trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được coi là nguồn quan trọng.
- Từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp có dấu hiệu hạ nhiệt, theo ông đâu là nguyên nhân?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nguyên nhân làm cho thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp hạ nhiệt, theo tôi có thể do một số yếu tố như cân đối ngân sách giai đoạn đầu năm khá dư dả. Sau năm 2019 đạt thặng dư khá lớn (số liệu hết 11 tháng năm 2019 cho thấy thặng dư đạt khoảng 114.000 tỷ đồng) thì quý 1/2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cán cân ngân sách tiếp tục cho tín hiệu tích cực với mức thặng dư 48.000 tỷ đồng theo báo cáo của Bộ Tài chính. Điều này có thể đã làm giảm áp lực huy động vốn của chính phủ qua các kênh vay nợ; trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ.
Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh COVID-19 lên nền kinh tế dẫn đến việc Chính phủ phải đưa ra các gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế. Điều này khiến một số nhà đầu tư có kỳ vọng nguồn cung trái phiếu Chính phủ sẽ gia tăng trong thời gian tới nên có tâm lý chờ đợi, làm cho tỷ lệ trúng thầu thấp.
Ngoài ra, vì kỳ vọng của bên phát hành và các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp và thứ cấp có khoảng cách khá lớn dẫn đến lãi suất trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường sơ cấp trong nhiều thời điểm thấp hơn nhiều lãi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp.
- Theo ông hiện nay Việt Nam có những khó khăn, thuận lợi gì khi phát hành trái phiếu Chính phủ?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nền tảng kinh tế của Việt Nam đã được củng cố trong 10 năm thực hiện tái cấu trúc gần đây đang cho thấy khả năng chống đỡ với khủng hoảng đã tốt hơn rất nhiều thể hiện ở sự ổn định về lãi suất, tỷ giá, sự hồi phục của chỉ số chứng khoán, các chỉ số kinh tế vĩ mô… tạo niềm tin cho các các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các khung khổ chính sách và cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu đã được hoàn thiện, rõ ràng minh bạch. Tính thanh khoản của thị trường thứ cấp khá cao giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán trái phiếu nên nhu cầu đối với đầu tư sơ cấp cũng nhiều hơn.
Các ngân hàng hiện nay hướng tới quản lý cơ cấu tài sản an toàn các tiêu chuẩn quốc tế như Basel II hay hay Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/12/2016, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020). Theo đó, nhu cầu đối với các tài sản phi rủi ro như trái phiếu Chính phủ sẽ nhiều hơn.
Cơ cấu nhà đầu tư cũng đa dạng hóa hơn; trong đó, vai trò của các tổ chức phi ngân hàng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn giúp cho độ ổn định của thị trường cao hơn.
Dù vậy, trong ngắn hạn, những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh đang ảnh hưởng lớn đến tâm lý các nhà đầu tư.
Ngoài ra, sản phẩm trên thị trường cũng chưa đa dạng, các nhà đầu tư chưa có các công cụ để phòng vệ rủi ro hiệu quả.
Chênh lệch lãi suất giữa thị trường thứ cấp và sơ cấp hiện ở mức cao, dẫn đến việc phát hành trên thị trường sơ cấp không hấp dẫn nhà đầu tư.
- Ông có đề xuất gì để tăng tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn hiện nay?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trong điều kiện hiện nay, để tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu, Chính phủ có thể xem xét tăng phát hành thêm các trái phiếu có kỳ hạn ngắn, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các tổ chức tín dụng; thực hiện hoán đổi các kỳ hạn lẻ về kỳ hạn chẵn giúp thị trường tăng tính thanh khoản; miễn hoặc giảm phí giao dịch trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong giai đoạn thị trường khó khăn
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý có thể phát triển công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường trái phiếu Việt Nam.
Về dài hạn, Bộ Tài chính, cụ thể là Kho bạc Nhà nước nên có sự dẫn dắt thị trường theo hướng lãi suất mục tiêu của các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ; chủ động nâng khối lượng gọi thầu trong các giai đoạn thị trường thuận lợi, nhu cầu đầu tư nhiều và ngược lại nhằm hạn chế và giảm thiểu các tình huống lãi suất trái phiếu Chính phủ thứ cấp giảm nhanh và mạnh do thiếu các nguồn cung hàng trong ngắn hạn. Vì sự sụt giảm này cũng tiềm ẩn mức bật tăng mạnh lại nhiều hơn dẫn tới tác động tiêu cực tới nhà đầu tư./.
- Trân trọng cảm ơn ông!