(ĐTTCO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) về cuối năm 2016 đã có thêm nhiều đợt phát hành của các ông lớn trong khối doanh nghiệp và NHTM, công ty chứng khoán. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã được huy động qua kênh này, nhưng quy mô thị trường TPDN Việt vẫn còn khá nhỏ so với nhiều quốc gia khác. Theo TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, minh bạch số liệu tài chính là yếu tố cần thiết để các doanh nghiệp thu hút được vốn từ kênh trái phiếu.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sự khác nhau giữa 2 kênh huy động vốn bằng trái phiếu và vay vốn NH đối với các doanh nghiệp là ở chỗ nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Phát hành TPDN và vay NH đều là phương pháp huy động vốn trên thị trường. Tuy nhiên giữa 2 kênh huy động này có sự khác biệt. Doanh nghiệp tìm đến NH là sử dụng nguồn vốn vay nhưng chỉ vay với 1 hoặc một vài NH.
Còn khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng là hình thức vay nhưng có thể nói là vay từ đại chúng, vay từ những người mua trái phiếu đó. Do đó vốn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến từ nhiều nguồn. Ngoài ra, điểm khác biệt nữa là kỳ hạn vay có sự khác nhau giữa 2 kênh. Hiện nay, các NHTM thường cho vay ngắn hạn, hoặc cũng có những khoản vay trung và dài hạn nhưng rất hạn chế. Trong khi phát hành TPDN, nguồn vốn thường là vốn trung và dài hạn.
Vấn đề quan tâm nhất trong phát hành trái phiếu là lãi suất. Lãi suất khi doanh nghiệp vay NH có thể cao hơn lãi suất trái phiếu. Với những tổ chức phát hành trái phiếu là doanh nghiệp có uy tín trên thị trường sẽ dễ phát hành và lãi suất thường thấp hơn vay NH. Ngược lại, với những doanh nghiệp không có uy tín phát hành trái phiếu phải chịu một lãi suất cao hơn lãi suất NH.
Lãi suất tùy thuộc vào uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, vay NHTM không có tính thanh khoản và đó là món vay doanh nghiệp phải trả nợ theo hợp đồng tín dụng. NH chỉ có thể bán lại cho những công ty tài chính của NH khác hay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (AMC).
Ngược lại, đơn vị phát hành trái phiếu cũng phải thực hiện thanh toán cho người mua khi đến kỳ hạn. Nhưng ở đây người nắm giữ trái phiếu có thể dễ dàng bán trái phiếu đó trên thị trường chứng khoán hoặc cho chủ thể khác.
- Ông đánh giá như thế nào về quy mô thị trường TPDN Việt Nam hiện nay?
TPDN tại Việt Nam chưa hấp dẫn dòng tiền đại chúng vì chưa có thị trường và chưa có sự minh bạch; hầu hết dòng tiền chảy vào TPDN đến từ NH, hoặc từ đối tác của doanh nghiệp. Vì thế, xây thị trường TPDN là một nhiệm vụ cấp bách để khơi rộng kênh huy động vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, định hình thị trường này như thế nào, nền tảng pháp lý ra sao để tạo thuận lợi tối đa cho dòng chảy vốn, nhưng vẫn bảo vệ những nhà đầu tư chân chính là câu hỏi lớn với nhà quản lý. |
- Theo tôi, thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, các doanh nghiệp không quen với phát hành trái phiếu, nên bản thân chưa thật sự quan tâm để tận dụng được kênh trái phiếu cho việc huy động vốn. Thứ hai, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu tình hình tài chính, sức khỏe phải rất ổn, và thường phải có những báo cáo tài chính kiểm toán, người mua hay thị trường mới chấp nhận trái phiếu đó.
Ở nước ngoài rất nhiều doanh nghiệp lâu đời và uy tín có kiểm toán, có báo cáo tài chính và thị trường biết đến họ. Vì thế việc phát hành trái phiếu trên thị trường cả trong và ngoài nước của những doanh nghiệp này rất phổ biến và họ trông vào nguồn lực đó. Trong khi ở Việt Nam, cho đến nay chỉ có vài doanh nghiệp, tập đoàn lớn mới phát hành trái phiếu, còn doanh nghiệp tầm trung hầu như không muốn tham gia thị trường trái phiếu, hoặc phát hành ra cũng khó bán được.
- Thời gian gần đây, khối NHTM có nhiều đơn vị cũng phát hành trái phiếu, ông đánh giá như thế nào về độ hấp dẫn của trái phiếu NH?
- Đúng là các NHTM cũng đang có xu hướng sử dụng kênh trái phiếu nhưng số lượng phát hành vẫn còn ít. Việc phát hành trái phiếu này sẽ giúp các NHTM cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) vì trái phiếu dài hạn được tính vào vốn cấp 2. Đối với người mua, trái phiếu là giấy tờ có giá nên người nắm giữ trái phiếu của NH có thể bán trái phiếu đó để lấy lại tiền mặt, trong khi gửi tiền NH chôn chặt ở đó cho đến khi đáo hạn.
Như vậy, trái phiếu của NH có điểm lợi là tính thanh khoản cao hơn tiền gửi, vì thế lãi suất trên trái phiếu thấp hơn lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, thường chỉ tổ chức kinh tế mua trái phiếu NH, cá nhân ít mua. Việc NHTM phát hành trái phiếu có nhiều điểm lợi, nhưng cũng giống như doanh nghiệp, không phải NHTM nào cũng có thể phát hành trái phiếu được. Đặc biệt với các NH nhỏ phát hành trái phiếu ra thị trường không phải dễ dàng.
- Đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho NHTM, việc tuân thủ các quy định cấp tín dụng như thế nào, thưa ông?
- Mua trái phiếu của một doanh nghiệp cũng là hình thức cấp tín dụng cho doanh nghiệp đó thay vì cho họ vay. Do đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng phải tuân thủ điều kiện là không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, và cho những bên liên quan không vượt quá 25%. Nếu vượt quá các quy định trên là vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng.
- Theo ông thị trường TPDN Việt Nam cần những yếu tố nào để phát triển trong thời gian tới?
- Để phát triển thị trường trái phiếu, thị trường tài chính Việt Nam, điều đầu tiên các tổ chức phát hành trái phiếu, trong đó có các NH cũng như các doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính chuẩn, tức phải có kiểm toán độc lập. Thứ hai, điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công phải có tình hình tài chính ổn định, có tiềm năng và chỉ số về đòn bẩy tài chính an toàn mới có cơ hội phát hành trái phiếu.
Vấn đề tiếp theo rất quan trọng, là doanh nghiệp nên có sự tư vấn của các chuyên gia tư vấn về pháp lý, tư vấn về tài chính và cần một NH hỗ trợ trong vấn đề phát hành trái phiếu. Nghĩa là, để việc phát hành trái phiếu thành công cần phải có NH bảo lãnh. Trong nhiều trường hợp NH bảo lãnh cam kết sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu nếu việc phát hành không thành công.
- Xin cảm ơn ông.