Trầm lắng mùa xả hàng

Ngày vàng giảm giá “Black Friday” cuối tháng 11 không giúp các trung tâm mua sắm (TTTM) sôi động hơn trong mùa lễ hội, bất chấp nhiều gian hàng đều trưng biển giảm giá 50-70%. Sức mua của người dân yếu đang khiến Hà Nội có một mùa mua sắm cuối năm khá buồn tẻ.

Ngày vàng giảm giá “Black Friday” cuối tháng 11 không giúp các trung tâm mua sắm (TTTM) sôi động hơn trong mùa lễ hội, bất chấp nhiều gian hàng đều trưng biển giảm giá 50-70%. Sức mua của người dân yếu đang khiến Hà Nội có một mùa mua sắm cuối năm khá buồn tẻ.

Đua khuyến mại vẫn vắng khách

Thời điểm trước lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch được xem là mùa cao điểm tại các trung tâm mua sắm. Dạo một vòng quanh các TTTM lớn của Hà Nội như Royal City, The Garden, Lotte, Parkson… đều có thể dễ dàng tìm thấy các gian hàng treo biển giảm giá. Mức giảm thậm chí lên tới 70%, chưa kể còn được hưởng giảm giá, tặng quà kép từ chính sách riêng của các TTTM.

Tại các cửa hàng thời trang của nhiều TTTM đều đồng loạt khuyến mại lớn bằng các hình thức như mua 1 tặng 1, bốc thăm trúng thưởng, giảm giá lên tới 50-90%. Như Lotte đưa ra chương trình khuyến mại dành cho mùa mua sắm cao điểm vào cuối năm, áp dụng trên hơn 300 gian hàng.

Tại The Garden, Royal City hay hệ thống Parkson, nhiều mặt hàng, nhãn hiệu giày dép, quần áo, mỹ phẩm đang được giảm mạnh từ 20-50%… hoặc có chương trình quà tặng rất hấp dẫn. Trên website riêng của các TTTM này cũng thường xuyên cập nhật các nhãn hàng giảm giá để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong lựa chọn.

Tuy nhiên, dù giảm giá sâu, thậm chí ở mức mơ ước so với nhiều năm trước, lượng khách thực mua hàng không nhiều. Khách đến các TTTM chủ yếu tham quan, vui chơi hoặc chỉ để khảo giá. Khu vực đông khách nhất là các siêu thị, khu ẩm thực, vui chơi hoặc các trung tâm điện máy.

Lý giải cho tình trạng vắng vẻ của gian hàng mình, một nhân viên bán hàng mỹ phẩm ở The Garden cho biết mức giá cao là rào cản lớn nhất khiến khách hàng không muốn bỏ tiền. Lấy thí dụ từ bản thân mình, nhân viên này cho biết đợt giảm giá mạnh Black Friday vừa qua tại TTTM này chỉ có 1 gian hàng của nhãn hiệu bình dân đến từ Singapore rơi vào tình trạng cháy hàng, khách hàng chen chúc mua sắm, còn các gian hàng khác đều vắng tanh, thậm chí kể cả các gian hàng của cùng nhà phân phối với chính sách như nhau.

“Sau giảm giá, nếu xuống còn dưới 1 triệu đồng,  khách hàng sẽ rất hào hứng, còn nếu cao quá giá này đa phần đều sẽ lưỡng lự, tính toán. Trong khi đó hàng hiệu ở Việt Nam đều có giá rất cao, ngoài tầm với số đông người tiêu dùng” - nhân viên này cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) khách hàng trung thành của một TTTM lớn, cũng cho biết ngày nghỉ nên cả gia đình chị đến đây để vui chơi, ăn uống còn mục tiêu mua sắm không có, bởi thực tế những nhãn hàng giảm mạnh nhất là những nhãn hàng có giá cao nhất.

Thí dụ, 1 chiếc túi giảm giá 50-60% nhưng vẫn còn đến 9-10 triệu đồng, hay bộ quần áo sau giảm giá vẫn có mức 5-6 triệu đồng. “Những ai sành mua sắm đều biết rằng muốn có đồ đẹp phải mua trước Giáng sinh bởi sau đó là Tết Nguyên đán cận kề các cửa hàng sẽ không lấy thêm đồ mới. Thế nên nếu những năm trước tôi đều dành dịp này để đi mua sắm, nhưng ở thời điểm này chi hàng chục triệu cho 1 đôi giày hay 1 bộ quần áo chưa phải là việc cần ưu tiên” - chị Thư nói.

Sức ép từ suy giảm kinh tế

Trên thực tế, tác động từ suy giảm kinh tế là nguyên nhân quan trọng khiến các TTTM ế ẩm như hiện nay. Quản lý một nhãn hàng túi xách đến từ Italia ở The Garden cho biết chưa có năm nào nhãn hàng này lại giảm giá sâu như năm nay, thậm chí các sản phẩm khuyến mại còn được đặt riêng ra một khu rất bắt mắt để người mua có thể lựa chọn.

Tuy nhiên, sức mua vẫn rất yếu, thậm chí có ngày chỉ có vài khách vào hỏi mua nhưng sau khi kiểm tra giá lại lặng lẽ đi ra. Sự đìu hiu của các TTTM trong khoảng thời gian cao điểm mua sắm có thể coi là không mới nếu xét chung tình cảnh bi đát của các TTTM trong vài năm trở lại đây.

Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn, việc quy hoạch các TTTM không hợp lý, quá gần nhau trên một khu vực hoặc một trục đường, hàng hóa không có sự độc đáo, đặc biệt hay thiếu hụt các hạng mục quan trọng như rạp chiếu phim, khu vui chơi ăn uống cùng với sự phát triển của hệ thống hàng xách tay… đã khiến nhiều TTTM tự giảm sự hấp dẫn trong mắt khách hàng.

Giảm giá không còn là sức hút để người dân đến TTTM. Ảnh: H.Trâm

Giảm giá không còn là sức hút để người dân đến TTTM. Ảnh: H.Trâm

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của Tổng cục Thống kê và Sở Công Thương Hà Nội mới đây vẫn cho thấy những dấu hiệu rất khả quan. Tuy nhiên có lẽ điều này không được nhìn thấy ở phân khúc vốn dĩ không dành cho số đông này.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 của cả nước đạt 197.000 tỷ đồng; tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn ở Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công Thương, dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng 13% so với năm 2013, vượt 1% so kế hoạch của ngành đề ra.

Sự lép vế của các TTTM với các mặt hàng xa xỉ cũng đồng nghĩa với sự lên ngôi của các hàng hóa vừa tiền như hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng xuất khẩu, hoặc tại các siêu thị mini với các mặt hàng bình dân đáp ứng nhu cầu đời sống. Và đây mới là phân khúc ăn nên làm ra trong bối cảnh hiện nay.

Rõ ràng, dù bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một chiếc túi xách hàng hiệu không còn là mối quan tâm hàng đầu của các tín đồ mua sắm dù lượng khách hàng đi khảo giá, tham quan vẫn rất nhiều. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến các TTTM Hà Nội đang có một “mùa vàng” kém bội thu.

Các tin khác