Chẳng cần phải giải thích nhiều, nghe câu “Tứ Đại Oán nha”, cả 6 người vừa đờn vừa ca, họ gặp và hiểu nhau trong từng cung điệu, không trật nhịp nào.
Sinh hoạt đờn ca tài tử tại nhà chú Trần Văn Biển, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
1.
Dừng lại làm vài hớp cà phê, chú Trần Văn Biển kể: “Tui biết đờn ca từ năm 20 tuổi, càng ngày càng mê nên tự theo học mấy người đi trước. Sau này trung tâm văn hóa tỉnh có mở lớp, thầy Hoàng Tấn ở TPHCM về dạy, tui theo học thầy được 2 lớp, có giấy chứng nhận đầy đủ luôn nghen…”. Học hành cũng là chuyện sau này, 20 bài bản tổ, 5 cung điệu đã thấm từ hồi còn trẻ, ngược xuôi với nghề vá xe, thợ hàn, mỗi lúc rảnh, chú lại đờn ca.
Đờn ca tài tử (ĐCTT) khiến người ta đã mê thì khó dứt, cũng bởi họ tìm được tri âm, tri kỷ. Cô Út (vợ chú Biển) cũng là một giọng ca tài tử ngọt ngào. Hát tại nhà thì cô lo trà nước, còn đi giao lưu với những CLB khác, hai vợ chồng cùng hòa giọng. Hỏi chuyện người nghe, người đờn ca hiện tại, cô Út thở dài: “Buồn lắm con ơi, quán cà phê ở đầu đường có sân khấu nhỏ hát với nhau mà họ chỉ hát vọng cổ, ca bài bản tài tử họ không chịu vì nói khách không khoái và ban nhạc cũng không biết chơi bài bản. Cô chú bây giờ chỉ tụ họp bạn bè hát ở nhà thôi, bữa thì nhà cô chú, bữa thì sang nhà mấy người bạn. Người nghe không hiểu về tài tử thì mình hát hay hoặc dở, trật nhịp chỗ nào người ta cũng không biết, nên họ không khoái là vậy”.
2.
Từ Đồng Tháp ngược về miệt Tiền Giang, niềm trăn trở của cô Út cũng không ngoại lệ. ĐCTT chỉ còn được chuộng ở những xã, huyện còn đậm chất nông thôn - nơi mà những loại hình giải trí đa phương tiện chưa kịp lấn vào đời sống văn hóa văn nghệ. Theo nhiều tài liệu, cuối thế kỷ 19, nhóm ĐCTT ở Mỹ Tho (Tiền Giang) do ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) làm trưởng nhóm đã sang Paris (Pháp) biểu diễu. Ông nổi tiếng ở đất Mỹ Tho với ngón đờn kìm thổn thức người nghe… Nhịp sống đổi thay, cũng tài tử nhưng tiếng đờn kìm hôm nay lại hắt hiu một điệu buồn.
Hai đời theo ĐCTT, nối nghiệp ông già nên ngón đờn kìm của bác Huỳnh Văn Túc (70 tuổi, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng thuộc hàng tiếng tăm trong xóm. Nhưng bây giờ, cây đờn treo trên vách nhà nhiều hơn. “Tụi nhỏ trong nhà không đứa nào chịu học đờn, học ca. Mở vô tuyến, mở điện thoại là nhạc trẻ ì đùng. Hồi trước, trong xóm có đám tiệc, người ta hay mời tui đờn góp vui, còn bây giờ ở đâu cũng dàn nhạc sống, loa cỡ đại thì cây đờn kìm với tiếng song lang đành chịu thua”, bác Túc tâm sự.
Từ Tiền Giang sang Bến Tre cũng là một nỗi buồn của ĐCTT. Ở khu vực trung tâm TP Bến Tre, hỏi bất chợt người dân về ĐCTT thì nhận được cái lắc đầu hoặc vài câu ậm ừ “có nghe”. Đi vào những xóm, ấp nhỏ cũng chỉ còn vài người biết đờn ca… “Tui biết ca vài câu góp vui thôi chứ không rành bài bản gì đâu, tụi nhỏ thì thích nhạc trẻ, có đứa nghe nhạc phải giật gân, xí xô xí xào không biết hát cái gì luôn. Người lớn chút khoái bolero, chứ ĐCTT không thấy ai mê, cũng có nghe CLB đờn ca này kia, nhưng ở đâu chứ chỗ này tui hông thấy ai, mà có đi nữa thì cũng có ai theo đâu”, cô Nguyễn Thị Thu Vân (54 tuổi, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết.
3.
Từ khi được UNESCO vinh danh, hoạt động ĐCTT ở các tỉnh, thành bài bản hơn, phân chia thành các CLB từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Tuy nhiên, chất tài tử phóng khoáng và ngẫu hứng, một số địa phương hoạt động đờn ca còn duy trì tốt, nhưng nhiều nơi chỉ là quá khứ vàng son, hoạt động hiện tại chỉ cho có, xôm tụ nhất cũng chỉ vài ngày ở các cuộc thi hay liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh…
Là một trong những tỉnh còn hoạt động ĐCTT khá sôi nổi ở ĐBSCL, ông Lê Hoàng Ái Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, trăn trở: “Như ở TP Cao Lãnh, ĐCTT cũng không mạnh, 2 huyện Lai Vung và Lấp Vò thì nhiều hơn, ở đó nhịp sống còn đậm nông thôn và người dân thích nghe đờn ca. Và nghệ nhân theo nghề là vì đam mê, ai cũng có một công việc khác, mỗi lần hội diễn hay giao lưu giữa các tỉnh, kinh phí hỗ trợ chỉ là tiền xăng xe, không đáng kể là bao. Họ đờn ca vì đam mê, chính sách hỗ trợ mình có nhưng chưa nhiều thì biết đòi hỏi sao hơn”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ nhiệm CLB ĐCTT và sân khấu cải lương tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “CLB cấp tỉnh mỗi năm được hỗ trợ 20 triệu đồng cho cả ĐCTT và cải lương, có muốn cũng không biết làm sao hỗ trợ hết nghệ nhân theo nghề. Mỗi lần sinh hoạt, anh em vì đam mê nên duy trì thôi, chứ ngày thường ai cũng ngược xuôi đủ nghề, người làm ruộng, nuôi tôm, nuôi cá…”. Ông chạnh lòng: “Người ta không cần học hành bài bản cũng có thể hát vọng cổ. Lên một câu vọng cổ nghe mùi mẫn hay hơi dài là khán giả vỗ tay; còn ĐCTT thì khác, phải hát đúng nhịp, đúng bài bản và người nghe phải có chút am hiểu mới biết hay. Bởi vậy, nơi nói ĐCTT còn hoạt động mạnh nhưng thực chất chỉ là hát vọng cổ thôi. Như Liên hoan ĐCTT quốc gia sắp tới ở Cần Thơ, nhiều người gặp tôi mong muốn tham gia vào đội đi thi của tỉnh nhưng tôi từ chối, vì họ chỉ biết hát vài câu vọng cổ, đâu phải đờn ca”.
Sự thay đổi của nhịp sống xã hội, chuyện thị hiếu khán giả đảo chiều trước câu ca, tiếng đờn với tiết tấu chậm cũng là điều không tránh khỏi. Câu ca, tiếng đờn “đặc sản” của quê hương đã mang tầm di sản thế giới, nhưng việc bảo tồn và phát triển ĐCTT hôm nay vẫn còn loay hoay…
Một vài điểm sáng Trong cái khó khăn chung, vẫn có những điểm sáng. Bà Nguyễn Thị Ánh Lê, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, cho biết, sức sống của loại hình văn hóa nghệ thuật này đang “rất nóng” tại khắp các quận, huyện, xã, phường, thị trấn của TP, với khoảng 300 CLB ĐCTT và cả ngàn thành viên hoạt động đều đặn. Một không gian nhỏ, sân vườn thơ mộng, trữ tình, một thầy đờn ở tuổi đôi mươi với cây đờn kìm, cùng các bạn tài tử trẻ, hòa âm phối khí với làn điệu tài tử, có lớp có lang, ngân vang ở một góc vườn thơ mộng. Âm nhạc tài tử hòa vào không gian tĩnh mịch của một vùng quê yên ả, thanh bình bằng những giọng tài tử trẻ ngọt ngào, mùi mẫn. Theo chị Lý Phương Phương, Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT quận Ninh Kiều, đều đặn thứ năm hàng tuần, 8 giờ sáng, CLB có hơn 20 thành viên tham gia sinh hoạt, quy tụ nhiều nghệ nhân, tài tử từ chuyên đến không chuyên, tại địa điểm như trên, thoải mái ca hát và trao đổi về đờn ca. Chị Phương cho hay, từ năm 2017 đến nay, ĐCTT phát triển mạnh mẽ từ số lượng đến chất lượng. Hiện 11 phường trên địa bàn quận đều có CLB ĐCTT hoạt động mạnh, quy tụ các thành viên từ nông dân đến trí thức tham gia. “Không chỉ tham gia cho vui, tụi mình còn đi giao lưu ở nhiều địa bàn bạn, không khí ĐCTT tưng bừng lắm”, chị Phương nói. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú, thành viên CLB, chia sẻ, bạn tình cờ tham gia CLB với một người bạn, nghe mọi người hát và hát theo, dần dà hát được vài câu rồi có niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Tú vui vẻ kể, ban đầu bạn hát không đúng nhịp, nhưng theo học lớp ĐCTT căn bản, được dạy cách xướng âm trên nền của 20 bài bản tổ, do CLB tổ chức, mà hát được đúng nhịp, giờ đã hát được vài bài… Đỗ Thị Kim Loan, tài tử trẻ mới nổi trong CLB ĐCTT quận Ninh Kiều, chia sẻ, thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, ai cũng nhớ da diết các buổi sinh hoạt, nên Loan chủ động tạo một phòng hát online, kết nối mọi người như một buổi sinh hoạt thu nhỏ, có giới thiệu tác giả, bài hát, nghệ sĩ hát… trên nền nhạc có sẵn. Vậy là mọi người có thể thỏa đam mê ca hát, giải tỏa được những căng thẳng trong những ngày giãn cách xã hội… Cũng cần nói thêm về sức sống đờn ca từ những “tài tử nhí”. Bé Phạm Gia Bảo (6 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) kế thừa niềm đam mê nghệ thuật của ba, nên khi được 4-5 tuổi, bé đã tự cảm âm và tự học đờn kìm, nhiều bản đờn bé đã thuộc làu. Cậu bé hát chắc nhịp, tròn vành rõ chữ nhiều bài dựa trên 20 bài bản tổ như: 12 câu Phụng Hoàng - Nhớ Bạc Liêu; Nam Xuân, Nam Ai, Ngựa ô Bắc, Lý con sáo. Còn ông Lâm Kim Điền (cha bé Lâm Gia Hưng, 14 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, gia đình làm nghề buôn bán, kinh doanh quần áo may sẵn, không biết gì về ĐCTT, nhưng bé Lâm Gia Hưng từ lúc 8 tuổi đã mày mò tập hát nhiều bài bản tài tử và đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh. |