Tại nhiều trung tâm thương mại (TTTM), chợ đầu mối ở TP HCM, khách hàng dễ dàng tìm thấy các mặt hàng thời trang như túi xách, ví, ba lô, dây nịt, giày, đồng hồ, mỹ phẩm mang các nhãn hiệu cao cấp, như: Chanel, Gucci, Dior, Louis Vuitton, Montblanc, Hermès, Burberry... có giá chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Hàng nhái rất dễ bán
Cục QLTT TP HCM nhận xét tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái không những không giảm sau nhiều đợt truy quét mà thậm chí còn tinh vi, diễn biến phức tạp hơn. Trong đó, chợ Bến Thành (quận 1), TTTM Dịch vụ An Đông (quận 5), TTTM Saigon Square (quận 1) thường xuyên được lực lượng QLTT kiểm tra nhưng khi lực lượng này rời đi thì "đâu lại vào đó".
Khảo sát tại một số TTTM và chợ, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận "hàng hiệu" giá bèo được bày bán tràn lan. Tại TTTM Saigon Square, túi xách nhãn hiệu Dior, Gucci... được chào giá khoảng 3 triệu đồng/chiếc; đồng hồ nhãn hiệu Hublot, Rolex, Omega có giá gần 2 triệu đồng/chiếc. "Hàng thật có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Còn đây là hàng fake loại 1 nên chất lượng, mẫu mã giống như hàng thật, tìm nơi khác không có" - chủ một cửa hàng thời trang nói khi chúng tôi chê mức giá này cao.
Tại TTTM Dịch vụ An Đông, túi xách, dây nịt, mỹ phẩm với đủ nhãn hiệu "sang" như Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Gucci, Versace... được khách hỏi mua khá nhiều. Tại chợ Bến Thành, chủ một cửa hàng thời trang nói: "Hàng fake rất dễ bán vì giá rẻ, còn hàng thật giá cao không ai mua. Người kinh doanh buộc phải chiều theo nhu cầu của khách thôi!".
Đáng chú ý, sau đợt kiểm tra rốt ráo của cơ quan chức năng gần đây, người bán hàng đã "cảnh giác" hơn. Có tình trạng các chủ quầy hàng luân phiên cảnh giới, báo tin cho nhau khi phát hiện có người lạ đến theo dõi, chụp hình. Thậm chí, nếu nghi ngờ người mua là lực lượng chức năng, các chủ quầy không ngần ngại từ chối bán hàng.
Mới đây, tại một hội thảo về hàng gian, hàng giả, đại diện một hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới cho hay đa số mỹ phẩm bán tại các chợ không phải hàng thật, thậm chí có khu vực 100% là hàng giả.
Tăng cường kiểm tra dịp cuối năm
Theo cơ quan QLTT, hàng giả, hàng nhái phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Do được sản xuất với quy mô lớn, không yêu cầu về chất lượng, chỉ cần bảo đảm "ngoại hình" giống hàng thật nên hàng giả, hàng nhái có giá thành thấp. Loại hàng hóa trái phép này thường được vận chuyển bằng đường bộ qua Campuchia, Lào để xâm nhập Việt Nam; việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không ít trường hợp không xác định được chủ hàng.
Dịp cuối năm, cùng với sức nóng của thị trường bán lẻ, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái tại TP HCM cũng sôi động bất chấp nhiều vụ việc bị phát hiện, xử lý. Do đó, Tổng cục QLTT xác định các tụ điểm lớn, nổi tiếng về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP HCM sẽ tiếp tục được đưa vào lộ trình kiểm tra trong thời gian tới. Đặc biệt, Tổng cục QLTT sẽ chỉ đạo tổ chức các tổ giám sát sau kiểm tra để tránh tình trạng khi cơ quan chức năng rời đi, việc buôn bán trái phép lại tiếp diễn.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng vừa ký ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh, phòng chống.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại những kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới; yêu cầu các đơn vị liên quan ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Kiểm tra là ra sai phạm Hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ xuất xứ đã bị phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Ngày 19-11 vừa qua, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT TP HCM kiểm tra các sạp G8 + G10, A24-A26, E1, E3, I4, I6 tại tầng trệt TTTM Dịch vụ An Đông, phát hiện 2.360 sản phẩm túi xách, dây nịt, mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ; có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Hermès, Louis Vuitton, Burberry, Gucci... Ngày 17-11, Cục QLTT TP HCM kiểm tra một số sạp tại TTTM Dịch vụ An Đông, tạm giữ 713 sản phẩm giày dép, quần áo... có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Chanel, Gucci, Dior, Hermes, Louis Vuitton, Burberry. Ngày 16-11, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT TP HCM phối hợp Công an phường 6 và phường 12 (quận 11, TP HCM) kiểm tra 4 địa điểm kinh doanh tại số 987, 1015, 1013, 1045 đường 3 Tháng 2 (phường 6, quận 11) và 2 địa điểm kinh doanh tại số 996 và 976B đường 3 Tháng 2 (phường 12, quận 11), phát hiện 1.213 đồng hồ đeo tay các loại không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Rolex, Chanel, Gucci... Ngày 3-11, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT TP HCM phối hợp Đội 7 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) - Công an TP HCM kiểm tra điểm kinh doanh Nhật Si 68 tại số 1110B10-B11-B12 đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), phát hiện 1.903 sản phẩm áo, giày dép, túi xách không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tại TTTM Saigon Square trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP HCM), ngày 1-11, cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra 6 điểm kinh doanh, phát hiện hơn 2.000 sản phẩm túi xách, ví, mắt kính, quần áo, giày dép, phụ kiện có dấu hiệu nhái, giả các nhãn hiệu. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, những người bán hàng ở đây đã nhanh chóng thu dọn hàng hóa, đóng cửa hàng để né tránh kiểm tra. Ngày 23-10, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT TP HCM phối hợp với Đội 7 Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP HCM và Công an phường 2 (quận Tân Bình) kiểm tra Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Giao nhận I.C.E tại số 9A Sông Thương, quận Tân Bình. Qua kiểm tra, phát hiện 3.482 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xuất xứ Hàn Quốc, không có số công bố mỹ phẩm, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt... |