Tranh cãi việc khai thác hay giữ nguyên bán đảo Sơn Trà

(ĐTTCO)-Sáng 30-5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Đà Nẵng tổ chức buổi Tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà”. 
 
Một góc bán đảo Sơn Trà
Một góc bán đảo Sơn Trà
Tham dự có Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn, đại diện lãnh đạo Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các chuyên gia du lịch, môi trường, các nhà khoa học...

Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhắc lại những kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về việc giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà để bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan nơi đây.

Ông Huỳnh Tấn Vinh còn chỉ ra bảng quy hoạch chưa giải quyết các vấn đề về đa dạng sinh học và có một vài số liệu chưa thống nhất, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng quy hoạch.

Tuy nhiên, đại diện TP Đà Nẵng cho rằng kiến nghị giữ nguyên hiện trạng tại Sơn Trà là chưa phù hợp và không đáp ứng được nhu cầu của Đà Nẵng trong hiện tại và tương lai.

Ông Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng không hướng đến 1.600 phòng khách sạn như trong quy hoạch, trong khi đó, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã đưa ra những lập luận khoa học để bảo vệ con số này.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Đà Nẵng đã rất dũng cảm khi chấp nhận giảm tới 70% lượng phòng đã phê duyệt trước đó. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đồng tình với điều này nhưng băn khoăn là khi thực hiện, chúng ta có làm đúng được con số này hay làm nhiều hơn, vì thế phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và ban hành những quy định nghiêm ngặt về môi trường. Phải hài hòa giữa phát triển và vấn đề bảo tồn không thể cực đoan dừng tất cả lại. Đã gọi là Khu du lịch quốc gia thì phải có nơi đón tiếp khách lưu trú chứ không phải chỉ vui chơi đơn thuần.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng nêu quan điểm của mình: "Ở Việt Nam có rất nhiều khu du lịch tuyệt vời, không chặt một cây vẫn đảm bảo một cánh rừng đẹp và trong khu du lịch đó có rất nhiều biệt thự. Tại sao chúng ta có thể làm cho cảnh quan đẹp hơn mà không tàn phá cảnh quan? Đừng nghĩ rằng việc xây dựng các công trình du lịch là phá hoại cảnh quan môi trường".

PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh, chuyên gia dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội cũng nêu ra quan điểm của mình: “Đừng nghĩ rằng việc xây dựng các công trình du lịch là phá hoại cảnh quan môi trường. Cần đánh giá tác động của 4,6 triệu lượt khách du lịch cho toàn bộ đối với vấn đề Sơn Trà chứ không thể đánh giá riêng vấn đề xây dưng cơ sở lưu trú…”.

PGS. TS Đỗ Tú Lan, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng: “Đâu đó còn thiếu một quy hoạch cụ thể cho Sơn Trà mang tính chất quy hoạch đặc thù như thế này. Theo luật xây dựng thì chúng tôi có những loại quy hoạch đặc thù cho các khu du lịch đặc thù mang tính chất tích hợp, tổng hợp tất cả mọi yếu tố, không chỉ một vấn đề du lịch…”

Cuối buổi tọa đàm, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và UBND tỉnh Đà Nẵng sẽ tổ chức buổi tọa đàm tại Đà Nẵng để lấy thêm nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia, nhà khoa học.

Trao đổi với cơ quan báo chí, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: "Đến nay đã có trên 11.000 người ký tên "Giải cứu Sơn Trà", nhiều tờ báo đưa tin việc này và rất mừng là Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xem lại quy hoạch này. Trước đó, gày 28-4, tại Đà Nẵng, Hiệp hội có tổ chức hội thảo khoa học về nội dung này. Chúng tôi có mời Tổng cục du lịch và Viện nghiên cứu phát triển du lịch nhưng cả 2 đơn vị đều không có mặt. Tuy nhiên ông Vinh cho rằng, đến hôm nay các nhà khoa học này khẳng định không nhận được giấy mời”.

Các tin khác