Đơn thư khiếu nại của cư dân chung cư đã gửi đến các cơ quan chức năng, những đoàn giám sát, đoàn kiểm tra chung cư “đến rồi đi”, những quyết định xử phạt chủ đầu tư vi phạm được ban hành liên tiếp…, nhưng trớ trêu thay, nhiều bức xúc trong cư dân không được giải quyết dứt điểm!
Điểm nóng: Giấy chủ quyền
Tháng 3-2015, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã đi khảo sát về tình hình cấp giấy chủ quyền (GCQ) tại một số chung cư đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, trong đó có chung cư Phú Thạnh (số 53 đường Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM), do Công ty CP Xây dựng công trình 585 làm chủ đầu tư.
Lúc đó, bức xúc nhất của cư dân là họ đã dọn vào ở, chung cư đã hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa được cấp GCQ. Đã gần 6 năm trôi qua, nay nỗi bức xúc ấy của cư dân chung cư Phú Thạnh vẫn còn nóng hổi. Ông Nguyễn Văn Hồng (cư dân chung cư Phú Thạnh) cho biết: “Tập thể cư dân vừa tiếp tục làm đơn kêu cứu đến các cơ quan trung ương và TPHCM. Với 835 căn hộ, người dân đã thanh toán hết 95% giá trị hợp đồng mua bán, 11 năm trôi qua kể từ khi chung cư đi vào hoạt động, nay vẫn chưa nhận được GCQ”.
Cách nay chưa lâu, giải đáp thắc mắc của cư dân, ông Thân Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 585, ký văn bản thông báo: “Quyền sử dụng đất của chung cư đang thế chấp Ngân hàng TMCP Việt Á”. Món tài sản này đã trở thành nợ xấu của ngân hàng, đang chờ xử lý khiến cư dân hết sức lo lắng. Đứng trước tình cảnh trớ trêu như vậy, đơn thư kêu cứu của cư dân đã tới tấp gửi đến các cơ quan chức năng.
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp lần thứ 8 đứng tên ông Nguyễn Văn Hồng và bà Đào Ngọc Bình - là những cư dân chung cư. Vụ việc đã chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú xem xét, giải quyết.
Chung cư Ruby Garden (số 2A đường Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chủ đầu tư bán 314 căn hộ cho cư dân từ năm 2010, đến nay vẫn còn hơn 60 hộ dân chưa nhận được GCQ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư đã thế chấp GCQ trong ngân hàng.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Trùng Khánh, Trưởng Ban quản trị (BQT) chung cư, đã gửi đơn kêu cứu đến Bí thư Thành ủy TPHCM, nêu rõ: “Tập thể cư dân cảm thấy rất phiền vì đã gửi 80 văn bản tới UBND phường 15, UBND quận Tân Bình, UBND TPHCM…”.
Hay như chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TPHCM) cũng đã tốn không biết bao nhiêu cuộc họp, làm việc với các cơ quan chức năng kể từ khi đi vào vận hành đến nay, vì cư dân chưa được cấp GCQ. Năm 2014, chủ đầu tư bàn giao 338 căn hộ cho cư dân, dây dưa không cấp GCQ. Mãi đến năm 2019 cư dân mới vỡ lẽ, Ngân hàng Nam Á ra thông báo thu giữ và xử lý tài sản của Công ty Khang Gia (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất - dự án chung cư) do đã thế chấp để thu hồi nợ…
Hiện nay, cư dân đang trong tình trạng bất ổn vì cuối năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM phát lệnh truy nã ông Trịnh Minh Thanh, Tổng giám đốc Công ty Khang Gia, chủ đầu tư dự án, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đấu nhau đòi phí bảo trì
Chung cư Phú Hoàng Anh (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) không chỉ gây chấn động dư luận vụ việc BQT cũ cản trở cư dân nhận nhà, mà còn “phù phép” ôm luôn phí bảo trì 46 tỷ đồng. Điều trớ trêu, đây là câu chuyện BQT “đấu” với BQT chứ không phải đi theo “lối mòn” - BQT đấu với chủ đầu tư. Ông Phạm Cường, Trưởng BQT chung cư Phú Hoàng Anh nhiệm kỳ mới (2018-2021) cho biết, chưa thể tiếp cận được quỹ bảo trì 46 tỷ đồng, vì BQT cũ không chịu chuyển giao.
Trở lại diễn biến vụ việc, sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư thành công, ngày 5-10-2018, UBND huyện Nhà Bè ra Quyết định số 2551/QĐ-UBND công nhận BQT chung cư Phú Hoàng Anh nhiệm kỳ mới, đồng thời bãi bỏ quyết định công nhận BQT cũ. Sau khi được công nhận, BQT mới đã bắt tay tổ chức vận hành nhà chung cư, nhưng kể từ đây mâu thuẫn bắt đầu phát sinh.
Trong vòng 13 ngày hoạt động, BQT mới đã 2 lần gửi thư mời họp để bàn giao hồ sơ, tài chính… nhưng kết quả bất thành vì sự vắng mặt không lý do của các thành viên BQT cũ. Đi vào tìm hiểu, BQT mới đã phát hiện: “Quỹ bảo trì của chung cư hiện gửi bằng 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng SCB chi nhánh Phú Mỹ Hưng.
Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với đại diện SCB về thủ tục chuyển quyền đứng tên, sử dụng 5 sổ tiết kiệm trên, nhưng do đây là sổ tiết kiệm được gửi dưới hình thức 11 đồng sở hữu - Trần Hoàng Thái (Trưởng BQT cũ) đứng tên chủ tài khoản nên ngân hàng không thể căn cứ theo quyết định công nhận BQT của UBND huyện Nhà Bè để thực hiện chuyển quyền đứng tên và cũng không chấp nhận trả lời bất kỳ công văn nào từ phía BQT chúng tôi”, ông Phạm Cường nêu trong một văn bản kêu cứu lên các cơ quan chức năng… Đến nay, rất nhiều hạng mục của chung cư cần phải bảo trì, bảo dưỡng như thang máy, phòng cháy chữa cháy…, nhưng quỹ bảo trì đang bị “treo”.
Tranh chấp phí bảo trì chung cư hiện đang khá phổ biến tại các chung cư. Có chung cư là tranh chấp giữa BQT mới và BQT cũ, nhưng có chung cư lại tranh chấp giữa BQT với chủ đầu tư. Thậm chí còn xảy ra tranh chấp giữa BQT với cư dân chung cư do sử dụng quỹ thiếu minh bạch, không đúng mục đích… Dù cho ở hình thức tranh chấp nào thì quyền lợi của cư dân cũng bị ảnh hưởng, gây nên những khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Tháng 10-2017, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TPHCM có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của người dân về cấp GCQ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh công tác cấp GCQ thì hàng loạt vấn đề về tranh chấp tại các dự án nhà ở nói chung và dự án chung cư nói riêng cũng được đề cập. Tại buổi giám sát, lãnh đạo TPHCM lúc đó cho biết, sẽ yêu cầu quận huyện, sở ngành liên quan phải báo cáo từng trường hợp cụ thể để giải quyết. Tuy nhiên, không ít vụ việc sau nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. |