Tránh vết xe đổ

Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn vay tới 11 năm với lãi suất ưu đãi 1-3%/năm. Trong đó, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, Nghị định 67 còn quy định nhiều chính sách hỗ trợ về bảo hiểm; ưu đãi thuế; đào tạo; thiết kế, duy tu, sửa chữa... đối với tàu đánh bắt hải sản của bà con ngư dân.
 

Chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng, Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi, bám biển đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25-8 tới. Một loạt chính sách hỗ trợ mang tính đột phá đã được đưa ra trong Nghị định 67.

Theo đó, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn vay tới 11 năm với lãi suất ưu đãi 1-3%/năm. Trong đó, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc; được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, Nghị định 67 còn quy định nhiều chính sách hỗ trợ về bảo hiểm; ưu đãi thuế; đào tạo; thiết kế, duy tu, sửa chữa... đối với tàu đánh bắt hải sản của bà con ngư dân.

Trong khi diễn biến trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng, việc kịp thời ban hành các chính sách đặc biệt trên là một tin rất vui đối với bà con ngư dân, những người đang ngày đêm vươn khơi, bám biển khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Trước thực tế hầu hết tàu đánh bắt xa bờ hiện nay phổ biến là vỏ gỗ, những chính sách mới được kỳ vọng là cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép của nhiều ngư dân. Tuy nhiên, để những chính sách này phát huy hiệu quả cao nhất, việc triển khai Nghị định 67 cần được tính toán thực hiện một cách chặt chẽ, tránh những vết xe đổ đã từng xảy ra.

Đây không phải lần đầu tiên Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi, bám biển. Năm 1997, Chính phủ đã triển khai chương trình đánh bắt xa bờ tại 29 tỉnh. Chương trình đã giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên đến nay mới thu hồi được hơn 140 tỷ đồng. Qua kiểm tra 991 tàu với số vốn vay hơn 895,8 tỷ đồng số tiền sai phạm chiếm tới 110 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng bị tham ô, cố ý làm trái, chiếm dụng, chiếm đoạt...

Trong số 1.382 tàu đóng mới hoặc cải hoán có công suất từ 90 mã lực trở lên, chỉ 390 tàu hoạt động hiệu quả, còn lại 520 tàu hoạt động không hiệu quả, gần 250 chiếc đang nằm bờ, còn lại là mất tích, chìm, đắm... Nguyên nhân khiến chương trình không đạt hiệu quả được Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) thừa nhận khi cho vay vốn, cán bộ tín dụng đã không kiểm tra được năng lực của người vay, cũng như kiểm soát dòng vốn. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án (chủ tàu) trong nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không có kinh nghiệm đi biển, khai thác hải sản xa bờ và kinh nghiệm quản lý.

Theo đánh giá của đại diện một số ngân hàng thương mại, cơ chế tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 có sự đồng bộ, đầy đủ, phạm vi và đối tượng rộng hơn so với chương trình đánh bắt xa bờ trước đây. Cơ chế mới tạo chủ động cho ngân hàng lựa chọn người vay có kinh nghiệm, năng lực tài chính và khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn.

Mặc dù chính sách trong Nghị định 67 được xác định rất ưu đãi, nhưng cần xác định rõ nguyên tắc: Nhà nước thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi nhưng theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả. Bởi vậy, khi tiến hành cho vay các ngân hàng cần khảo sát, đánh giá kỹ nhu cầu cũng như khả năng hoàn trả của khách hàng. Về tổ chức thực hiện, ngoài yếu tố lãi suất cần xác định trang bị tàu thuyền, đánh bắt phải bảo đảm tính hiện đại, cùng với mô hình quản lý đánh bắt để đảm bảo tính chất hỗ trợ lẫn nhau. Trong tình hình hiện nay không thể một con tàu vươn khơi là có thể đương đầu với khó khăn trên biển. Bên cạnh đó, mô hình quản lý tiêu thụ sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quan trọng để chính sách tín dụng hỗ trợ  ngư dân đạt được thành công.

Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, mục tiêu cốt lõi của chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm giúp ngư dân tiếp cận dễ dàng nguồn vốn để đóng tàu sắt thay tàu gỗ, được hỗ trợ tín dụng mua sắm trang thiết bị trên tàu, tiêu thụ sản phẩm và chiến lược dài hạn là hỗ trợ phát triển ngành thủy sản, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Điều đó có nghĩa ngư dân phải được hỗ trợ từ phương tiện ra khơi đến tiêu thụ sản phẩm.

Bởi vậy, để những chính sách mới có hiệu quả, ngoài sự chủ động, nỗ lực của ngành ngân hàng còn cần có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành chức năng, tổ chức xã hội trong các vấn đề: hoàn thiện thể chế, chính sách để ngư dân tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn của các tổ chức tín dụng cũng được đảm bảo; có kế hoạch đầu tư, xây dựng các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão và phát triển chuỗi sản xuất khép kín từ khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đến khâu tiêu thụ…

Các tin khác