Trào lưu ăn theo của showbiz Việt

(ĐTTCO) - Từ phim ảnh đến âm nhạc, truyền hình thực tế làn sóng “ăn theo” chưa khi nào hạ nhiệt trong showbiz Việt.
 Những cơn sốt ấy có nhiều khía cạnh tích cực, nhưng nếu bị lạm dụng chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.   

Chương trình “Quý cô hoàn hảo” gây ra những tranh cãi nảy lửa với khán giả

Chương trình “Quý cô hoàn hảo” gây ra những tranh cãi nảy lửa với khán giả

Thời “ăn xổi”
Những ngày qua, cộng đồng mạng cùng nhau chia sẻ một đoạn clip trong một chương trình truyền hình thực tế liên quan đến chủ đề về hẹn hò “Quý cô hoàn hảo”. Dù chỉ là tình huống được sắp đặt, nhưng màn đối đáp “cãi như mổ bò” của người chơi là cô sinh viên năm 2 một trường nghệ thuật với bà mẹ chồng giả định, gây nên sự phẫn nộ nơi công chúng. Cô gái này ngay sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng đó chỉ là màn diễn trên sân khấu có đạo diễn, dàn dựng và biên tập chứ không phải tính cách ngoài đời của mình. 
Không phải đến “Quý cô hoàn hảo”, cơn sốt các gameshow có chủ đề hẹn hò đã nở rộ trong khoảng 2 năm trở lại đây, dù manh nha của nó đã xuất hiện từ khoảng 10 năm về trước với chương trình khá thành công là “Love Bus - Hành trình kết nối trái tim”.
Sau thành công của “Bạn muốn hẹn hò”, các gameshow, chương trình truyền hình thực tế ở thể loại này mọc lên như nấm sau mưa trên khắp các kênh sóng, từ đài trung ương (VTV) đến đài địa phương (HTV, Vĩnh Long...).
Hiện nay, có thể điểm mặt hàng loạt chương trình đã và đang được phát sóng như: “Vì yêu mà đến”, “Lựa chọn của trái tim”, “Yêu là chọn”, “Yêu là cưới”, “Ngôi nhà chung”, “Giai điệu chung đôi”, “Khúc hát se duyên”... Sắp tới, hai chương trình cùng chủ đề là “Ẩm thực kỳ duyên” và “The Bachelor” (Anh chàng độc thân) cũng đã được các đơn vị trong nước mua bản quyền và sẵn sàng ra mắt khán giả.  
Cơn sốt các chương trình truyền hình về hẹn hò là sự tiếp bước của trào lưu hài, bolero một thời gian đã bội thực cho khán giả truyền hình. Cách đây vài năm, khi các chương trình về hài lên ngôi, hầu hết các “ông lớn” trong lĩnh vực này đều nhảy vào sản xuất, tranh giành miếng bánh thị phần.
Sau hài, ở mảng ca hát thành công của “Solo cùng bolero” cũng tạo nên cuộc đua tranh vô cùng khốc liệt và cho đến giờ vẫn chưa hoàn toàn hạ nhiệt. Thêm đó, mảng khai thác đời tư nghệ sĩ cũng đã tạo nên “cơn sốt nhỏ” với hàng loạt chương trình: “Sau ánh hào quang”, “Chuyện tối nay với Thành”, “Sao nối ngôi”, “Hát cùng mẹ yêu”...  
Nếu ở lĩnh vực truyền hình, những trào lưu ăn theo rất đậm nét thì trong điện ảnh, xu hướng này cũng không loại trừ. Một thời gian dài khi một vài phim hài nhảm bất ngờ thắng thế ở phòng vé, các nhà sản xuất nhất loạt quay sang thể loại này và nó chỉ thực sự chết yểu khi khán giả tẩy chay. Sau đó, điện ảnh cũng có những “chiến dịch” ăn theo, dù không thực sự rầm rộ, đó là phim ngôn tình, phim kinh dị, phim dành cho tuổi học đường... 
Đừng để “mua dây buộc mình”
Đại diện truyền thông của một đơn vị sản xuất nhiều chương trình truyền hình về hẹn hò từng chia sẻ: “Xu hướng được tạo nên bởi những nhu cầu có thật trong xã hội. Nếu như trước đây chúng tôi gần như “một mình một chợ” thì nay đã có những người bạn đồng hành. Điều đó tốt cho khán giả. Họ sẽ có thêm những lựa chọn”. Xét ở hai chiều của vấn đề, điều này không sai.
Thực tế cho thấy, nhiều chương trình về hẹn hò đã mang đến những hiệu ứng, hiệu quả tích cực. Đơn cử như “Love Bus” (2009 - 2016) đã kết nối thành công 54 cặp đôi; “Bạn muốn hẹn hò” đã làm mai thành công hơn 450 cặp đôi, trong đó 33 cặp đã thành hôn...  
Ở lĩnh vực điện ảnh, thể loại phim hài cũng từng mang về doanh thu vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho nhiều nhà sản xuất với những: Tèo em, Để mai tính, Hello cô ba, Nhà có 5 nàng tiên... Nhìn nhận về xu hướng ăn theo này, đạo diễn Charlie Nguyễn từng chia sẻ: “Ở đâu cũng vậy thôi. Khi có một bộ phim thành công sẽ có nhiều người muốn khai thác đề tài đó, vì họ thấy có cái gì đó để bám vào, thay vì tự đặt câu hỏi: Làm gì bây giờ? Ở Hollywood các nhà làm phim cũng làm vậy. Họ coi đó mà một hình mẫu để phát triển câu chuyện riêng của mình”.  
Tuy nhiên, khi cơn sốt lên đến đỉnh điểm, hay những thành công đến quá choáng ngợp, không phải chương trình, bộ phim nào ăn theo cũng sẽ gặt hái được thành quả như kỳ vọng. Đối với các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, sự sa đà vào các yếu tố câu khách, áp lực về số lượng người xem, quảng cáo, khiến các đơn vị sản xuất không thể duy trì được tôn chỉ, mục đích ban đầu.
Đó là lý do, nhiều phiên bản mua bản quyền từ nước ngoài như: “Lựa chọn của trái tim”, “Vì yêu mà đến”... nhiều khi không còn tính thực tế, không thực sự phù hợp với văn hóa Việt, can thiệp dàn dựng quá nhiều. Nếu chỉ là hành động ăn theo, không còn đặt mục tiêu là đề cao tính nhân văn, sớm hay muộn các chương trình này cũng chết yểu. Ngay cả bản thân các chương trình đã có thương hiệu, được khán giả yêu mến, nếu không khéo léo cũng khó lòng giữ vững phong độ.  
Đối với điện ảnh, mọi thứ thậm chí còn khốc liệt hơn, vì nó là cuộc đua “được ăn cả, ngã về không”. Không có bất cứ công thức nào cho thành công, ngay cả với bộ phim đi sau, cùng đề tài, cùng quy tụ được những tên tuổi đã làm nên chiến thắng vang dội ở phòng vé trước đó. Áp lực của người đi sau là luôn phải làm được cái gì đó mới hơn, xuất sắc hơn, mới mong có được sự yêu mến của khán giả.

Các tin khác