Triển khai nhiều giải pháp giảm lượng hàng tồn kho

Đánh giá của Bộ Công Thương tại cuộc họp của ngành mới đây cho thấy nhu cầu yếu khiến cho lượng hàng tồn kho tăng, điều này dẫn đến trong số 32 nhóm hàng công nghiệp, chế biến chính có 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như xi măng, sắt  thép, sản xuất sợi và dệt vải...

Đánh giá của Bộ Công Thương tại cuộc họp của ngành mới đây cho thấy nhu cầu yếu khiến cho lượng hàng tồn kho tăng, điều này dẫn đến trong số 32 nhóm hàng công nghiệp, chế biến chính có 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như xi măng, sắt  thép, sản xuất sợi và dệt vải...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa 

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam  (Vinacomin) Nguyễn Văn Biên cho biết, đến nay lượng than tồn kho của Tập đoàn là 7 triệu tấn.

Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm, đáng chú ý  trong khi giá than bán cho điện chưa theo kịp với thị trường thì  lượng than vào hộ này  lại tăng so với cùng kỳ đạt 28%, còn lượng than vào hộ xi măng, một hộ tiêu thụ cũng khá lớn  của Vinacomin cũng  giảm trên 10%. 

Nguyên nhân là khó khăn từ thị trường bất động sản khiến cho lượng xi măng tiêu dùng sụt giảm dẫn tới lượng than tiêu thụ vào hộ  này giảm.

Mặc dù tình hình sản xuất và tiêu thụ thép đã khả quan hơn nhiều so với tháng 2 một phần vì thị trường đã bước vào mùa xây dựng, tuy nhiên  báo cáo của Hiệp hội Thép cũng cho biết  tính đến 31/3 lượng thép xây dựng  tồn kho của  các đơn vị trong ngành  là 288.814 tấn. Đối với ống thép, mặc dù  lượng sản xuất tăng 3,49%  so với tháng  2-2012 nhưng so với cùng kỳ năm 2011 giảm 8,37%.

Đánh giá của Hiệp hội cho biết  bên cạnh tồn kho, các doanh nghiệp thép hiện  gặp nhiều khó khăn bất lợi như  áp lực cạnh tranh cung cầu ngày càng lớn, thị trường xuất khẩu gặp nhiều rào cản bất lợi cho doanh nghiệp, giá nguyên liệu cho sản xuất ống tiếp tục tăng cao trong khi giá bán thép ống có tăng nhưng  chưa tương ứng.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng,  Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, thị trường bất động sản – một trong những hộ tiêu thụ thép lớn nhất - cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu tư công và dân dụng cũng giảm khiến lượng thép tồn kho lớn.

Trưởng ban Kế hoạch- Kinh doanh Tập đoàn Hoá chất Việt Nam Bùi Thế  Chuyên cho biết, hiện nay do hạn chế đầu ra, sản lượng xuất khẩu nông sản giảm  nên nhu cầu phân bón cũng sụt giảm theo. Với mức tồn kho 54-55%, tương ứng với con số 700.000 tấn bao gồm cả tồn kho của năm 2011 chuyển sang, một số đơn vị sản xuất phân NPK đã chủ động giãn sản xuất nhằm hạn chế  tồn kho cao.

Theo phân tích của Phó Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ Công Thương) Huỳnh Ðắc Thắng, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng qua có nguyên nhân chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Âm lịch vừa qua kéo dài, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, cộng với dư chấn của cắt giảm đầu tư công.

Đồng bộ các giải pháp tiêu thụ sản phẩm

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp  đang nỗ lực khắc phục tình trạng tồn kho sản phẩm bằng nhiều cách, như tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, tăng cường công tác bán hàng...

Phó Tổng giám đốc tập đoàn Vinacomin Nguyễn Văn Biên cho biết, Tập đoàn đang chỉ đạo các đơn vị thành viên  tập trung vào khâu tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Theo đó các doanh nghiệp kịp thời cung ứng than và các chủng loại than cho các hộ có nhu cầu đầy đủ. Được biết tại thời điểm này than nhiệt lượng thấp được nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đặt mua. Do vậy Tập đoàn chỉ đạo các đơn  vị tập trung chuẩn bị tốt các nguồn than này để cung cấp kịp thời cho các hộ tiêu thụ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Biên, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định cho phép Tập đoàn được giảm giá bán than vào các hộ nhỏ lẻ (hay còn gọi là các hộ khác) với mức trên dưới 5%.

Với quyết định này, ông  Biên cho biết sẽ  tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chủ động linh hoạt giá bán than  trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm như hiện nay. Dự kiến lượng than vào các hộ này khoảng 10 triệu tấn/ năm.

Ngoài ra, Tập đoàn đã đặt ra mục tiêu tiết giảm chi phí 5%, đẩy mạnh tái cơ cấu nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.

Thừa nhận xuất khẩu là hướng đi không mấy thuận lợi khi kinh tế thế giới chưa hết khó khăn cùng với những rào cản thương mại của nước sở tại, các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá. Ông Nghiêm Xuân Đa, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng  không còn cách nào khác các doanh nghiệp thép phải đẩy mạnh xuất khẩu và sắp xếp lại sản xuất, đồng thời căn cứ theo diễn biến thị trường để sản xuất, cung ứng vừa đủ cho thị trường nhằm tránh tồn kho lớn, giảm chi phí lưu kho bãi, lãi suất ngân hàng.

Giải quyết bài toán hàng tồn kho, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp mở rộng tìm kiếm thị trường, tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống sản xuất, phân phối.

Đối với Công ty Giấy Sài Gòn, Giám đốc  Cao Tiến Vị  chia sẻ, cách giải quyết giảm áp lực hàng tồn kho là tìm nguồn vốn có giá hợp lý. Từ đầu năm đến nay, Giấy Sài Gòn đã huy động được hơn 10 triệu USD với mức lãi vay 1,7%/năm từ những đối tác Nhật Bản. Với nguồn vốn này, công ty tự tin hơn trong việc thực thi những chính sách bán hàng mới với nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng, nhằm duy trì thị phần và chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải.

Bên cạnh đó, Giấy Sài Gòn còn áp dụng khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi cho các đại lý cấp 1 để họ có điều kiện chăm sóc tốt hơn các đại lý cấp 2, cấp 3... cho đến khi hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.

Theo Vụ trưởng  Vụ Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Hữu Huỳnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn kéo dài từ năm 2011 sang năm 2012, việc tồn kho và chậm nợ lương không còn là vấn đề cục bộ ở một số đơn vị yếu kém về mặt quản lý như các năm trước mà đã phổ biến hơn.

Hiện VCCI đã đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, một trong số đó là miễn thuế giảm thuế. Ông Huỳnh cho rằng, các doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, định hướng và xây dựng  kế hoạch sản xuất kinh doanh  một cách thận trọng

Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có động thái giảm lãi suất cơ bản về mức 12%/năm, đồng thời nới tín dụng cho bất động sản, tiêu dùng, qua đó góp phần kích cầu nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ bất động sản và các ngành liên quan như xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng...

Trước đó, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ  tháng 3 vừa qua, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận tìm giải pháp giải quyết vấn đề hàng tồn kho của các doanh nghiệp, theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thực hiện các biện pháp phát triển thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn; đổi mới các kênh thu mua, phân phốiđồng thời  hỗ trợ các doanh nghiệp  tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho, hạn chế nhập siêu…

Các tin khác