Ngày 9-3 tới, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Hà Nội. Hội nhập kinh tế là trụ cột hàng đầu trong hợp tác nội khối ASEAN và thực tế đã đạt được những thành quả nhất định.
Từ ý tưởng ban đầu thiết lập một khu vực thương mại tự do, ASEAN đang hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất mang tính khu vực dựa trên sự hài hòa về chính sách và liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế.
Với số dân 600 triệu người, GDP 2.178 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2.389 tỷ USD và đầu tư FDI vào khu vực đạt 114 tỷ USD, ASEAN là một thị trường lớn và giàu tiềm năng. Đến nay, ASEAN đã hoàn thành 74,5% mục tiêu của lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với mốc hình thành vào năm 2015.
AEC bao gồm 4 mục tiêu chính. Thứ nhất, trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung. Thứ hai, tạo nên một khu vực có tính cạnh tranh cao, bảo vệ người tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế, thương mại điện tử. Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều trong khu vực thông qua việc tiếp cận thông tin, tài chính, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Thứ tư, hội nhập toàn diện nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, ASEAN đang ưu tiên thúc đẩy thực thi các hiệp định quan trọng như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN và các gói cam kết thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Từ ngày 1-1-2010, 99,65% dòng thuế của 6 nước ASEAN đã có thuế suất 0% và 98,88% số dòng thuế của Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia có thuế suất 0-5%. Nhiều chương trình thuận lợi hóa thương mại đã có tác động tích cực, như thiết lập Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hài hòa hóa tiêu chuẩn, thống nhất phân loại thuế quan, loại bỏ các hàng rào phi thuế đã được thực thi.
Nhiều ngành kinh tế của ASEAN đã phát huy tốt ưu thế như nông sản, thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, chế tạo. Nhiều sản phẩm trên thế giới đã dần được biết đến với thương hiệu chung của các nước Đông Nam Á hay ASEAN.
Tiến trình hội nhập ASEAN không thể tách rời tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu. Trong năm 2013, ASEAN cùng các đối tác trong khu vực sẽ khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thể hiện vai trò tiên phong trong việc hình thành cơ cấu hợp tác kinh tế mới trong khu vực, thể hiện vai trò trung tâm và đi đầu của ASEAN.
ASEAN cũng đang tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ và việc xây dựng thành công AEC sẽ là tiền đề quan trọng để đưa mối quan hệ giữa ASEAN và các đối tác này lên tầm cao mới.
Xây dựng AEC đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện mục tiêu hội nhập kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, để thực hiện quyết tâm này, các nước ASEAN đang đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Đó là sự phát triển không đồng đều giữa các nước trong khu vực.
Năm 2010, Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp gần 45 lần so với Myanmar; tỷ lệ người sống dưới mức 1USD/ngày là 33,9% tại Lào và 28,3% tại Campuchia… Với sự khác biệt về trình độ phát triển như vậy, ASEAN sẽ gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng, vốn đòi hỏi phải có tính đồng đều cao.
Trong bối cảnh này, Sáng kiến hội nhập kinh tế ASEAN (IAI) - một sáng kiến hợp tác khu vực - đã tập trung tăng cường phát triển kinh tế-xã hội thông qua các chiến lược thúc đẩy phát triển cân bằng, giảm nghèo và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển.
Theo đó, trong giai đoạn thực hiện IAI 2002-2008, đã có 232 dự án/chương trình được triển khai (trong đó 91% số dự án đã hoàn thành), nhận được sự tài trợ 191 triệu USD từ các nước ASEAN-6 và khoảng 20 triệu USD từ các nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Na Uy và EU, là các nước tài trợ nhiều nhất).
Giai đoạn 2009-2015, có 68 dự án được triển khai, trong đó 29% đã được hoàn thành. Trong quá trình thực thi các dự án, việc mở rộng sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, một trong những nội dung quan trọng về hợp tác do Brunei đề xuất trong năm nay là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN, đặc biệt ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.