Triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam vẫn tương đối tích cực

(ĐTTCO)-Triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, Việt Nam vẫn được kỳ vọng là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh vào năm 2023…
Triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam vẫn tương đối tích cực

Cập nhật kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 của nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường (PwC Việt Nam) nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế - xã hội Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức và sự bất ổn từ kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực dịch vụ đang dẫn đầu đà phục hồi kinh tế nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước phát huy hiệu quả, nền kinh tế mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022 và từ sự phục hồi của du lịch lưu trú sau Covid.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán chịu tác động bất lợi từ chính sách của Chính phủ (kiểm soát lạm phát) và các sự kiện tiêu cực trên thị trường tài chính quốc tế (sự sụp đổ của các ngân hàng).

Trong khi cả khu vực nông lâm ngư nghiệp và dịch vụ đều có xu hướng tích cực, thì khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất ổn chính trị trên toàn thế giới.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp nửa đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới. Giá trị tăng thêm toàn ngành nửa đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Lĩnh vực dịch vụ đã cho thấy rõ sự phục hồi nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và mở cửa trở lại nền kinh tế. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007, một đặc điểm đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua là sự liên kết chặt chẽ và ngày càng tăng với các nền kinh tế khác, thông qua thương mại và đầu tư.

Hai trong số các động lực chính cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế là: mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực xuất khẩu của quốc gia.

Dù tăng trưởng mạnh 11% vào năm 2022, nửa đầu năm 2023 xuất siêu 12,1 triệu USD, nhưng tổng giá trị xuất khẩu vẫn giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ nông nghiệp, hóa chất, sản phẩm giấy và phương tiện vận tải/phụ tùng, hầu hết các lĩnh vực đều có xuất khẩu hàng hóa giảm từ 10-20% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu chững lại do ảnh hưởng bởi sức tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính giảm, mức giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ, Hàn Quốc, EU và ASEAN lần lượt là 22%, 10%, 10% và 9% so với cùng kỳ.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Trung Quốc và EU.

“Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy thị phần bị thu hẹp đáng kể. Thị trường EU cũng trải qua tình trạng tương tự như ở Mỹ nhưng ở mức độ thấp hơn với mức giảm khoảng 10% giá trị xuất khẩu”, nhóm nghiên cứu phân tích.

6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có thặng dư thương mại với các thị trường phát triển như Mỹ, EU và Nhật Bản, trong khi thâm hụt thương mại được quan sát thấy trong thương mại với các nước/ khu vực mới nổi bao gồm Trung Quốc và ASEAN.

Trong khi tỷ trọng thặng dư thương mại lớn với EU là từ điện thoại và linh kiện và máy móc thiết bị, thì xuất siêu với Hoa Kỳ chủ yếu do nông sản đóng góp.

Mặc dù vậy, nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường vẫn nhận định, triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, với mức tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến trên 5% (theo Fitch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)).

Việt Nam vẫn được kỳ vọng là một trong số ít quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh vào năm 2023, trong khi phần còn lại của thế giới được dự báo sẽ tiếp tục trải qua suy thoái nghiêm trọng.

Các tin khác