2011 tiếp tục là 1 năm không thuận lợi đối với hầu hết nền kinh tế. Triển vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu bị xóa bỏ bởi những khó khăn nội tại của các nền kinh tế hàng đầu như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… chưa được hóa giải căn cơ.
Việt Nam không ngoại lệ, dù là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập niên qua. Tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 dù đạt mức khá ấn tượng trong bối cảnh chung: 5,9% nhưng vẫn thấp so với giai đoạn trước đó. Điều này một phần phản ánh môi trường toàn cầu đang suy yếu và những khó khăn trong nước chưa được xử lý triệt để.
Tuy nhiên xem xét kỹ vào thời điểm hiện nay, các điều kiện kinh tế vĩ mô đã ổn định đáng kể so với thời kỳ bất ổn đầu năm 2011: lạm phát giảm và chỉ số này kỳ vọng sẽ về mức một con số vào cuối năm 2012; nội tệ đi vào quỹ đạo ổn định hơn, việc giảm giá đồng Việt Nam theo từng đợt không còn được tính đến.
Đáng mừng hơn, công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng đang diễn ra theo hướng tích cực. Dù tình hình khả quan hơn nhưng đa phần nhà đầu tư lẫn người dân vẫn tỏ ra thận trọng. Điều này dự báo nhu cầu nội địa và xuất khẩu sẽ giảm trong năm 2012.
Tăng trưởng được dự báo sẽ ở mức trên dưới 6% trong năm 2012. Như vậy, mặc dù năm 2012 có vẻ mang đến một nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng các điều kiện kinh tế toàn cầu suy yếu cùng với tâm lý thận trọng, có khả năng nước ta vẫn giữ tăng trưởng dưới mức trung bình trong dài hạn, phù hợp với mục tiêu vĩ mô đặt ra.
Lạm phát cao vẫn là nỗi ám ảnh, thách thức chính khiến người dân và các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng trong quyết định đầu tư, kinh doanh của mình năm 2012. Thậm chí khi giá cả đã suy giảm dần và lạm phát được dự báo sẽ về mức một con số, mọi người vẫn có vẻ dè chừng, không biết xu hướng này có bền vững và ổn định hay không.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, vẫn còn vài tác nhân gây nguy cơ tăng giá, đặc biệt khi giá điện và một số mặt hàng thiết yếu đầu vào có khả năng điều chỉnh theo lộ trình thị trường. Để đối phó lạm phát bùng phát, Chính phủ vẫn chủ trương thắt chặt tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn và đưa ra kế hoạch tăng cường hiệu quả đầu tư thông qua việc tái cấu trúc DNNN trong thời gian tới.
Xuất nhập khẩu của nước ta được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu ngoài nước giảm sút cùng với sự trì trệ của các đầu tàu kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu. Điều này cũng tác động làm nhu cầu nhập khẩu trong nước chững lại.
Giảm giá hàng hóa làm giảm giá trị các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Giá trị các mặt hàng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm từ 34,2% trong năm 2011 xuống còn 24% trong năm 2012. Tương tự, giá trị hàng nhập khẩu có thể sẽ giảm từ 25,9% trong năm 2011 xuống còn 22% trong năm 2012.
Theo ước tính sơ bộ trong tháng 1-2012 (dựa trên dữ liệu thống kê của 15 ngày đầu tháng 1) thương mại Việt Nam đã suy giảm, thâm hụt cán cân thương mại dự kiến là 100 triệu USD trong năm 2012 (so với mức 876,7 triệu USD trong năm 2011).
Trong tháng 1-2012, giá trị hợp đồng xuất khẩu ước tính giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu giảm 18,7%. Nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 1-2012 đã làm cán cân nhập siêu giảm mạnh, tỷ giá VNĐ/USD giảm theo, thị trường ngoại hối ổn định và diễn biến dưới biên độ cho phép.
Đầu năm 2012, Thống đốc NHNN chuyển tải thông điệp của mình một cách rõ ràng và thực hiện những cam kết như lời hứa. Chẳng hạn, tuyên bố nội tệ sẽ không phá giá hơn 1% từ tháng 9-2011 đến hết năm 2011 và thực tế đã diễn ra như vậy.
Thống đốc cho rằng VNĐ sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá trong năm 2012, nhưng sẽ cố gắng tránh mức trượt giá cao như đã xảy ra hồi tháng 2-2011, khi nội tệ giảm đến 8,5%. Vì vậy đồng Việt Nam có thể sẽ giảm giá từ từ trong năm 2012 và nếu không có yếu tố tác động khách quan, đồng Việt Nam sẽ giảm giá khoảng 3% trên giá trị tính đến cuối năm 2012.
Do vậy trong thời gian tới, NHNN có khả năng sẽ tăng cường chính sách quản lý chặt chẽ thị trường ngoại hối và thị trường vàng. Với diễn biến lạm phát đang giảm, NHNN có thể sẽ hạ lãi suất vào cuối quý I-2012. Thực tế, NHNN đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng với việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các tổ chức tín dụng.
Việc giảm lãi suất trong tương lai để thúc đẩy tiêu dùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thuyết phục người dân về những cam kết cải cách và hiệu quả thực tế. Còn trong hiện tại hầu hết mọi người đều chọn chiến lược cầm cự, xem xét tình thế về triển vọng ổn định vĩ mô thời gian tới.