Đóng góp tích cực từ TCB
Trong kỳ công bố kết quả kinh doanh vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) chia sẻ về đề xuất mức chi trả cổ tức dự kiến hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Hiện Masan đang sở hữu 19,9% lợi ích tại TCB và với mức chi trả cổ tức này, Masan có thể nhận về gần 800 tỷ đồng “tiền tươi” từ TCB. Số tiền này sẽ giúp thanh khoản Masan thêm dồi dào, giảm chi phí lãi vay và tối ưu bảng cân đối kế toán.
Bên cạnh đó, nhận định về kết quả kinh doanh của TCB, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng hoạt động kinh doanh của TCB đã phát tín hiệu tạo đáy. Cụ thể, theo báo cáo, trong quý IV-23, tổng TNHĐ và LNTT của TCB lần lượt đạt 11 nghìn tỷ (+16,9% YoY và +5,8% QoQ) và 5,7 nghìn tỷ (+21,6% YoY, -1,2% QoQ). Có thể thấy, thu nhập hoạt động của ngân hàng đã bắt đầu phục hồi trở lại từ quý IV-2023, trong khi đó, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của quý IV so với cùng kỳ.
VDSC kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới khi một số nút thắt liên quan đến chi phí vốn, hoạt động IB, hoạt động banca đã phần nào được TCB kiểm soát. Với những điểm tích cực trên, năm 2024 sẽ chứng kiến sự đóng góp gia tăng đáng kể từ TCB vào lợi nhuận chung của Masan.
Chi phí tài chính giảm mạnh
Trong kinh doanh, việc dự phóng lợi nhuận dựa trên nhiều yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó chi phí tài chính là một phần tối quan trọng. Theo đó, giai đoạn năm 2022-2023 đánh dấu chặng đường các doanh nghiệp Việt chịu áp lực từ chi phí lãi vay do mặt bằng lãi suất cho vay cao tác động bởi các chính sách phòng vệ biến động tỷ giá và kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023 đến nay, với chủ trương ưu tiên thúc đẩy kinh tế, Chính phủ đã và đang quyết liệt ban hành loạt chính sách tài chính, tài khóa như hạ lãi suất, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Theo đó, chi phí tài chính của các doanh nghiệp Việt đã đạt đỉnh trong năm 2023 và tạo dư địa cho tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2024.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết mặt bằng lãi suất hiện nay đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong năm 2024, NHNN sẽ không đặt vấn đề tăng lãi suất điều hành.
Cụ thể, ông Tú cho biết đến nay lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, thuộc mọi lĩnh vực đều giảm. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm. Đây là dấu hiệu rất tích cực cho doanh nghiệp sau một thời gian “gồng gánh” lãi vay trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước, cuối tháng 4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi. Động thái này góp phần giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay mà vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.
Trong năm 2023, đối diện với thách thức vĩ mô và áp lực từ chi phí tài chính, doanh thu thuần của Masan đạt 78.252 tỷ đồng, tăng 2,7% so với 76.189 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan trong năm 2023 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (“EBIT”) tăng trưởng 40,1% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings (“MCH”) và khả năng sinh lời vững bền của WinCommerce (“WCM”). Bước sang 2024, với triển vọng kinh tế phục hồi cùng áp lực chi phí tài chính đã qua, Masan tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tích cực so với năm 2023.
Cụ thể, năm 2024, Masan dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế sẽ nằm trong khoảng 2.290-4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023. Với triển vọng tích cực của kết quả kinh doanh, cổ phiếu MSN của Masan hứa hẹn sẽ là cơ hội đầu tư tiềm năng trong năm 2024.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu MSN của Masan có sự bứt phá mạnh mẽ về thanh khoản giao dịch. Cụ thể, vào phiên 19/2 và 29/2, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này vượt gấp 5 lần trung bình 5 phiên gần nhất, đạt lần lượt 7,83 và 8,29 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị giao dịch là 588 và 586 tỷ đồng. Đà tăng cả về lượng và giá của MSN tiếp tục tiếp diễn trong ngày 5/3 với mức tăng trần cùng thanh khoản đột biến gần 1.000 tỷ đồng, đóng cửa tại mức 75.700 đồng/cổ phiếu. Đây là dấu hiệu của dòng tiền thông minh đã vào cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu vượt đỉnh 3 tháng.
Theo định giá từ tập đoàn tài chính J.P Morgan, giá mục tiêu cổ phiếu MSN trong năm 2024 là 102.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng gần 35% so với giá đóng cửa 75.700 đồng tại ngày 5/3.