Đây là dự án của Tập đoàn Thiên Minh Group với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng (chiếm 18% vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng chấp thuận thì KiteAir sẽ cất cánh vào quý 2 năm 2020.
Theo Tờ trình Thủ tướng, trong năm đầu tiên, KiteAir sẽ khai thác 6 máy bay ATR72 hoặc tương đương. Từ năm thứ 3 trở đi, hãng sẽ bổ sung thêm máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Số lượng máy bay sẽ tăng dần qua các năm và nâng lên 25 máy bay ở năm thứ 6.
Theo phân tích tài chính của Dự án, dự kiến, tổng giá trị hiện tại ròng (NPV) sau năm 2025 của KiteAir là 27,74 triệu USD. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 17,8%/năm với thời gian hoàn vốn 5 năm. Dự kiến, KiteAir sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, theo đánh giá sơ bộ, sau khi đi vào hoạt động, Dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 430 triệu đô la Mỹ cho các dịch vụ sân bay trong 5 năm tới, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 800 tỷ đồng thông qua các hình thức như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường; mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 294 lao động trong năm 2020 và tăng lên tới hơn 1.300 lao động trong 5 năm đầu hoạt động.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý rằng những kỳ vọng này mới ở mức sơ bộ. “Các dữ liệu đầu vào mới là giả định. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm các số liệu và tính chính xác về sơ bộ hiệu quả đầu tư Dự án", Tờ trình của Bộ này nêu rõ.
Đáng lưu ý là trong những năm đầu khai thác, KiteAir lựa chọn sử dụng loại máy bay ATR mà chưa sử dụng ngay loại máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Lý do, theo nhà đầu tư, là hãng sẽ khai thác các đường bay nội địa, tập trung vào các đường bay nối trực tiếp các địa phương vốn dung lượng thị trường còn nhỏ, thu nhập người dân chưa cao. KiteAir chỉ cung cấp 1 hạng ghế phổ thông với những dịch vụ cơ bản nhất.
Theo KiteAir, do một số sân bay hạn chế đối với máy bay phản lực trọng tải lớn như Côn Đảo, Phú Quốc, Cà Mau, Điện Biên. Hơn nữa, hiện nay, tại Việt Nam và Đông Nam Á, dòng máy bay cánh quạt ATR và phản lực thân hẹp như Airbus A320/A321 hay Boeing 737 đều được khai thác phổ biến, có các hệ thống hỗ trợ khai thác, kỹ thuật trực tiếp từ nhà sản xuất cũng như các Trung tâm bảo dưỡng lớn tại khu vực trong vòng 1 giờ 30 phút bay.
Các lợi thế về chi phí thuê, mua tàu bay và các gói hỗ trợ từ nhà sản xuất, đối tác cho thuê là lý do hãng lựa chọn dòng máy bay này. Ngoài ra, hiện tại có 2 hãng hàng không tại khu vực đang khai thác đồng thời cả hai dòng máy bay ATR và A320/A321 là Cebu Pacific Airways của Philippines và Bangkok Airways của Thái Lan. Cả hai hãng đều rất thành công trong kinh doanh với chiến lược phát triển mô hình hàng không giá rẻ, bay tần suất cao bằng máy bay cánh quạt và phản lực thân hẹp tới nhiều điểm nội địa và quốc tế khu vực.