2012 có thể coi là một năm khá rầm rộ của M&A (mua bán sáp nhập) các dự án BĐS, trong đó có không ít cuộc mua bán được xem như “tháo chạy” để bảo toàn vốn. Sau giai đoạn đầu tư trái ngành được xem như “trái đắng” khi doanh nghiệp nào cũng tham gia một vài dự án BĐS, thị trường đang điều chỉnh các doanh nghiệp này trở về với ngành nghề chính.
Tấp nập thoái vốn, M&A
Vụ đình đám nhất của xu hướng rút lui khỏi các dự án đầu tư trái ngành là việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) rút khỏi dự án Tổ hợp Tháp dầu khí Việt Nam. Dự án này từng gây tiếng vang rất lớn trên thị trường khi dự kiến tòa tháp cao nhất Việt Nam với 102 tầng, được xem là biểu tượng phát triển và là cơ sở hoạt động kinh doanh đầu não của PVN trong giai đoạn phát triển mới.
Ầm ĩ không kém là việc Vinaconex thoái vốn tại 2 dự án triệu đô Park City và Splendora nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Tổng công ty này đã chính thức hoàn tất chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu, tương đương 25% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư dự án Park City tại quận Hà Đông, Hà Nội; Vinaconex cũng đã mời các nhà đầu tư quan tâm để chuyển nhượng cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Splendora.
Quỹ đầu tư VinaCapital cũng chính thức rút lui khỏi thị trường BĐS khi chào bán 50% cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội, tương đương giá trị sổ sách 58,7 triệu USD. Cùng với đó, hàng loạt dự án cũng chính thức sang tên đổi chủ khi một số doanh nghiệp quyết định rút dần khỏi các dự án BĐS. Điển hình có thể kể đến việc Đất Xanh Group đã bỏ ra 250 tỷ đồng để mua lại dự án Sunview5.
Công ty Hoàng Quân cũng mua lại dự án Võ Đình tại quận 12 (TPHCM) có quy mô 208 căn hộ. C.T Group được xem là tập đoàn mạnh tay gom BĐS khi mua dự án Sunview3 và Behome2 từ Công ty Thiên Lộc với giá 14,4 triệu USD, sau khi đã chi ra 24 triệu USD mua 95% cổ phần của Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi để sở hữu dự án sân golf 36 lỗ và khu biệt thự tại Củ Chi, TPHCM…
Quay đầu là bờ?
Việc đầu tư tràn lan ngoài ngành mà điển hình là tập trung quá lớn vào BĐS đã khiến nhiều doanh nghiệp “sa lầy”. Trong giai đoạn BĐS sốt nóng, từ doanh nghiệp xây dựng, tài chính ngân hàng đến thương mại, thủy sản, thức ăn chăn nuôi… cũng đều đổ vốn đầu tư BĐS. Đến khi kinh tế khó khăn, BĐS đóng băng, những doanh nghiệp này lần lượt nếm “trái đắng”.
Đất Xanh Group bỏ ra 250 tỷ đồng |
Mới đây nhất là vụ việc của Mai Linh, từ chỗ là một doanh nghiệp vận tải hàng đầu, Mai Linh đang lún sâu trong nợ nần mà nguyên nhân một phần do doanh nghiệp này đã vươn tay đầu tư dàn trải vào BĐS.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn BĐS Sohovietnam, cho biết nhu cầu chào bán dự án BĐS ngày càng tăng, từ 100 dự án hồi đầu năm 2012 lên 300 dự án vào cuối năm, trong khi đó giá chào bán các dự án giảm 35-40% so với trước đây.
Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, nhiều chủ đầu tư chào bán dự án do sức ép nợ nần từ ngân hàng, hoặc nhà thầu. Điều này càng cấp bách hơn khi nhiều ý kiến cho rằng nếu không bán nhanh, sang 2013 càng khó bán hơn.
Hiện tại PVN đang từng bước thoái vốn đầu tư ra khỏi lĩnh vực BĐS theo chỉ đạo của Chính phủ về việc các tập đoàn, tổng công ty từng bước thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, nhằm tập trung vốn và sức lực cho lĩnh vực chính của doanh nghiệp.
Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết trong thời gian tới sẽ không đầu tư vào dự án mới mà sẽ rút vốn, nâng cao lợi nhuận và hoàn vốn cho nhà đầu tư. Vinaconex cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nhanh, mạnh mẽ chiến lược tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh đi đôi với tái cấu trúc các đơn vị thành viên, tái cấu trúc danh mục đầu tư...
Một doanh nghiệp bán lẻ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn như khu đô thị Kiến Hưng - Hà Đông, Paradise Garden, dự án phía Tây Hồ Tây… là CTCP Quốc tế Sơn Hà cũng đang lên kế hoạch thoái vốn tại một số dự án, nhằm tập trung cho ngành nghề chính của mình là bán lẻ.
Theo các chuyên gia, việc lấn sân quá sâu vào đầu tư BĐS đã để lại cho nhiều doanh nghiệp những hậu quả khó lường và việc khắc phục không phải dễ, đặc biệt khi đã làm mất lòng tin của các nhà đầu tư. Việc rút lui khỏi thị trường màu mỡ nhưng nhiều rủi ro này, kiện toàn lại hoạt động, tái cơ cấu chính là cách khôn ngoan để các doanh nghiệp “đã lỡ” đổ vốn vào BĐS vượt thoát khó khăn và phát triển, bởi theo dự báo, nền kinh tế năm 2013 vẫn tiếp tục đầy thách thức.