Trọng tâm thị trường tiền tệ đang chuyển sang ECB và BOJ

Đồng đô la Mỹ đã suy yếu so với các đồng tiền khác trong tháng đầu năm 2023 khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mất dần vai trò là động lực chính trên thị trường tiền tệ.
Trọng tâm thị trường tiền tệ đang chuyển sang ECB và BOJ

Động thái tăng lãi suất quy mô lớn của Fed đã trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2022, kích hoạt cơn sốt đổ xô vào đồng đô la. Nhưng khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, đồng đô la đã trượt giá so với các đồng tiền khác sau giai đoạn tăng mạnh.

Đồng đô la đã giảm 1,5% trong tháng 1 so với 6 đồng tiền chủ chốt, và đang trên đà ghi nhận mức giảm trong tháng thứ tư liên tiếp. Đồng đô la hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.

Mazen Issa, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại TD Securities cho biết: “Fed không còn nắm quyền điều khiển nữa, và chúng ta có thể thấy điều đó đang diễn ra trên khắp thị trường ngoại hối. Sau khi Fed báo hiệu rằng sẽ chấm dứt tốc độ tăng 75 điểm cơ bản vào tháng 12, Fed đã quyết định nhường lại vai trò lãnh đạo chính sách cho các ngân hàng trung ương lớn khác”.

Sự chú ý của giới đầu tư đang chuyển hướng sang các ngân hàng trung ương lớn khác, đáng chú ý nhất là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). ECB dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở quy mô lớn, trong khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.

Trong khi đó, việc tăng lãi suất của BOJ có thể vẫn còn là một chặng đường dài, nhưng việc nới lỏng chính sách giữ lãi suất trái phiếu dài hạn gần bằng 0 vào tháng 12 đã làm dấy lên suy đoán rằng, kỷ nguyên của chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo ở Nhật Bản sắp kết thúc.

Triển vọng diều hâu hơn đó đã giúp hỗ trợ cả đồng yên và đồng euro, vốn đã trở lại mức mạnh nhất kể từ mùa xuân năm 2022. Các quyết định chính sách tiền tệ vào tuần tới từ Fed, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể cung cấp thêm dữ liệu về việc liệu Fed sẽ từ bỏ vị trí dẫn dắt chính sách tiền tệ trong năm nay.

Đồng USD suy yếu và các tiền tệ còn lại hồi phục

Đồng USD suy yếu và các tiền tệ còn lại hồi phục

“2022 là năm mà mọi thứ đều phù hợp với đồng đô la. Fed đang dẫn đầu về lãi suất, và cuộc chiến ở Ukraine và chính sách Zero Covid ở Trung Quốc dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ ngoại thương”, Alan Ruskin, giám đốc chiến lược quốc tế tại Deutsche Bank cho biết.

Chi phí nguyên liệu thô cao như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ khiến năm 2022 trở nên khó khăn đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu như châu Âu, Anh và Nhật Bản. Tỷ lệ giữa giá xuất khẩu và giá nhập khẩu (tỷ lệ ngoại thương) rất ảm đạm, cho thấy ngày càng có nhiều vốn rời khỏi các thị trường đó và làm suy yếu tỷ giá hối đoái. Nhưng mùa đông năm nay ấm áp và xu hướng đó không tiến triển như mong đợi, điều này khiến nhu cầu về khí đốt tự nhiên trong tầm kiểm soát.

“Câu chuyện về tỷ lệ ngoại thương đã có lợi cho châu Âu, Anh, Nhật Bản - những quốc gia nhập khẩu hàng hóa. Bây giờ họ có triển vọng tốt hơn nhiều so với trước đây”, Shahab Jalinoos, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại Credit Suisse cho biết.

Giá hàng hóa thấp hơn cũng đã làm thay đổi kỳ vọng tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ. Deutsche Bank mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của châu Âu, từ kỳ vọng giảm 0,5% thành tăng 0,5% vào năm 2023.

“Dự trữ khí đốt tăng và giá khí đốt giảm. Lạm phát đang giảm và sự không chắc chắn đang giảm. Như vậy, chúng ta có thể loại bỏ suy thoái kinh tế khỏi dự báo năm 2023, điều chỉnh lạm phát tiêu đề thấp hơn và giảm thâm hụt”, nhà kinh tế Mark Wall của Deutsche Bank cho biết.

Ngoài ra, các điều kiện cũng đang được cải thiện ở Trung Quốc vì quốc gia này đã từ bỏ chính sách Zero Covid. Đây là một động thái được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế nước này sau khi chứng kiến một trong những hoạt động yếu kém nhất được ghi nhận trong năm ngoái. Tuy nhiên, tác động của việc mở cửa trở lại có thể sẽ khác nhau ở các thị trường tiền tệ, vì tăng trưởng mạnh hơn cũng có thể đẩy nhu cầu đối với hàng hóa cao hơn, và đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.

Các tin khác