300 nhân viên Công ty Aomi (Ôn Châu, Trung Quốc) hồ hởi khi được ông chủ bao trọn gói cho họ đi nghỉ mát ở một resort miền núi trong 2 ngày. Nhưng khi trở về, họ tá hỏa trước cảnh công ty “vườn không nhà trống” còn ông chủ thì biến mất….
Được nghỉ mát ở resort miền núi cách công ty chỉ 3 giờ xe chạy, toàn bộ chi phí được ông chủ Sun Fucai đài thọ, mà nếu không đi sẽ bị ông Sun phạt 30USD, nên gần như mọi người trong công ty đều hồ hởi kéo nhau đi nghỉ mát, ngoại trừ ông chủ Sun.
Ngày trở về, mọi người tá hỏa phát hiện công ty trong cảnh vườn không nhà trống, máy móc thiết bị biến mất như chưa từng tồn tại, còn ông chủ Sun cũng chẳng thấy tăm hơi. Hóa ra, ông Sun nợ các trùm cho vay trong thế giới ngầm tới hàng triệu USD nên phải bỏ trốn.
Công ty Aomi ở Ôn Châu vắng lặng khi máy móc thiết bị bốc hơi, còn ông chủ đã biến mất. |
Xảy ra điều này do các ngân hàng nhà nước ở Trung Quốc thường chỉ cho những công ty lớn của nhà nước vay nên nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa đã phải vay nợ từ thế giới ngầm.
Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư UBS, hệ thống cho vay bất hợp pháp điều phối lượng tiền khoảng 630 tỷ USD/năm, tương đương 10% GDP Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại, ngày càng nhiều doanh nhân rơi vào tình cảnh không còn khả năng trả những món nợ mà lãi suất lên tới 70%.
Trong vài tháng gần đây, tại thành phố Wenzhou phía Nam Thượng Hải, ít nhất 90 giám đốc doanh nghiệp đã mất tích vì ngập nợ và đứng bên bờ vực phá sản. Mặc dù không loại trừ mối lo các “hàm cá mập” cho vay hành xử theo lối xã hội đen, bắt cóc, đe dọa nạn nhân, nhưng có một thực tế là nhiều trường hợp giám đốc mất tích do lẩn trốn hoặc đào tẩu ra nước ngoài.
Tình hình dường như càng lúc càng bí bách, trong vài tuần gần đây nhất, đã có 3 trường hợp tự tử bằng cách nhảy lầu, 2 người chết và 1 người bị gãy chân. Giáo sư Chang Chun, Viện Tài chính Thượng Hải, cho biết có những công ty vay tiền từ hệ thống ngân hàng nhà nước sau đó đem cho thị trường ngầm vay lại, hoặc đem chơi chứng khoán. Theo giới phân tích, rất khó triệt hạ những “con cá mập” này không chỉ vì hoạt động của chúng đã bén rễ sâu, mà nguyên nhân cơ bản do ở chính các chính sách của ngân hàng.
Các chủ doanh nghiệp ở Ôn Châu than thở rằng họ đang gồng người chịu đựng lạm phát và sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu thô, cùng lúc với các biện pháp siết chặt tín dụng mà Chính phủ đưa ra khiến các doanh nghiệp nhỏ khó vay tiền hơn.
Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp nhỏ thành phố Ôn Châu, trong số 360.000 doang nghiệp nhỏ và vừa ở Ôn Châu, tỷ lệ đóng cửa vì thiếu hụt tiền đã lên tới 20%. Lãi suất tiết kiệm thấp, chỉ bằng một nửa so với tốc độ lạm phát 6%, nên nhiều hộ gia đình chọn cách gửi tiền vào hệ thống cho vay thế giới ngầm, ước tính hơn 90% hộ gia đình Ôn Châu đã đầu tư tiền bạc vào đó.
Điều lo ngại hiện nay là rất nhiều địa phương khác ở Trung Quốc cũng gặp phải những vấn đề tương tự Ôn Châu. Tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và đoàn quan chức cao cấp, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã viếng thăm Ôn Châu, hứa hẹn rằng các ngân hàng sẽ nới rộng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và trừng trị những kẻ cho vay trong thế giới ngầm.
Ngày 12-10, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ bằng cách miễn giảm thuế và cung cấp tín dụng mới.